Mũi nhọn kinh tế của TP. Lai Châu
Xác định thương mại và dịch vụ du lịch là lĩnh vực chủ đạo trong cơ cấu ngành kinh tế, thành phố Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với việc tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại các khu dân cư, thành phố Lai Châu đặc biệt chú trọng tới việc đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ. Các chính sách ưu đãi trong huy động vốn, thu hút đầu tư cũng được thành phố Lai Châu đẩy mạnh thực hiện.
Không chỉ quan tâm tới công tác quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, thành phố Lai Châu còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; Hỗ trợ các đơn vị kinh doanh hoàn thiện thủ tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng và nâng cao chất lượng hàng hóa. Hàng năm, thành phố Lai Châu còn tổ chức các Hội nghị đối thoại, gặp gỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, thành phố Lai Châu cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy trình thực hiện thủ tục hành chính; Niêm yết công khai các thủ tục hành chính trên hệ thống điện tử một cửa của thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính…
Dạo quanh các tuyến phố trên địa bàn thành phố Lai Châu, chúng tôi thấy khá nhiều các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị... được xây mới, hoạt động nhộn nhịp, tấp nập khách ra, vào mua sắm. Hệ thống chợ trên địa bàn thành phố Lai Châu ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu câu mua bán của người dân trên địa bàn.
TP. Lai Châu có những giải pháp tích cực và hiệu quả
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, bà Dương Thị Nhài – Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Lai Châu, cho biết: Năm 2022, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố Lai Châu cơ bản ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú, lưu thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Trong năm nhóm hàng hóa lương thực, vật tư nông nghiệp, chất đốt, nước sinh hoạt tăng nhẹ.
Giá các loại thực phẩm tươi sống, công nghệ thực phẩm, thuốc phòng chữa bệnh cho người ổn định. Các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm việc điều chỉnh giá và niêm yết giá bán theo quy định. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn thành phố Lai Châu ước đạt 3.454 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao, tăng 5,14% so với năm 2021.
Đặc biệt, trong năm 2022, thành phố Lai Châu đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn; Phối hợp với đoàn liên ngành VSATTP của tỉnh và lực lượng quản lý thị trường, tiến hành kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại; Tuyên truyền, vận động tới 520 hộ thương nhân kinh doanh trên địa bàn, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng. Trên địa bàn thành phố Lai Châu hiện có 521 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hơn 3000 hộ cá thể kinh doanh thương mại đang hoạt động.
Để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, thời gian tới, thành phố Lai Châu tiếp tục triển khai các chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thường mại, dịch vụ; Khuyến khích các đơn vị sản xuất kinh doanh đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, máy móc và trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, chủng loại; Mở rộng mạng lưới bán buôn bán lẻ, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ; Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại; Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí.