Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng tiếp tục bức xúc, khiếu nại về việc nhập khẩu hạt giống rau, dưa hấu, dưa chuột, dưa lưới, bí ngô... trong nước chưa sản xuất được vẫn bị Chi cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... áp thuế cao.
Vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.
Thuế nhập khẩu hạt giống không đồng nhất
PV: Thưa ông, báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 1/6/2020 có bài viết: “Luật Thuế quy định một đằng, hải quan áp một nẻo: Doanh nghiệp nhập khẩu hạt giống kêu trời!”. Sau khi báo đăng, được biết Tổng cục Hải quan đã vào cuộc chỉ đạo, thế thì vì sao vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khiếu nại hải quan áp thuế sai?
Ông Trần Xuân Định: Tôi cũng ngạc nhiên khi không hiểu sao một vấn đề không lớn, không có gì phức tạp, được quy định khá rõ ràng trong Luật Thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu (thuế suất 0% với các loại hạt giống rau trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu) lại bị các cơ quan hải quan một số nơi gây khó khăn cho doanh nghiệp như vậy.
Cụ thể, đến nay một số doanh nghiệp nhập khẩu hạt giống cả phía Nam và Bắc khi làm thủ tục thông quan với những lô hàng hạt giống rau, dưa, bí… phục vụ sản xuất 2 tháng vừa qua vẫn bị các cơ quan hải quan áp thuế nhập khẩu. Tôi không hiểu là hải quan cấp dưới liệu có “luật” riêng gì không, khi mà phía Tổng cục Hải quan đã có tới 2 công văn; Cục Thuế xuất nhập khẩu cũng có thêm 1 công văn nữa và 1 công văn xác nhận của Bộ NN-PTNT kèm bảng phụ lục danh mục và mã hàng hóa các giống rau, dưa, bí cần thiết phải nhập khẩu, không phải chịu thuế.
Như vậy, nếu nói về các quy định pháp luật thì đã quá đủ, các loại hạt giống cây trồng nói chung, nhóm giống rau, dưa, bí nói riêng trong nước chưa sản xuất đủ, hưởng chính sách ưu đãi thuế 0% như quy định tại Luật Thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu 107/2016/QH13, được hướng dẫn rõ hơn tại Điều 18 Nghị định 134/2016/NĐ-CP: “Giống cây trồng, vật nuôi... trong nước chưa sản xuất được cần thiết nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Khoản 12, Điều 16 Luật thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu”.
Chính phủ còn giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một thông tư và danh mục chi tiết về tất cả các mặt hàng mà trong nước chưa sản xuất được cần thiết nhập khẩu để hưởng chính sách ưu đãi này, theo đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/3/2018, tại phụ lục IX, liệt kê rõ các loại hạt giống rau không thuộc danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được.
PV: Vậy thưa ông, vì sao hải quan khi làm thủ tục thông quan hàng hóa vẫn cứ áp mã và đánh thuế hạt giống rau có loại 10% thậm chí có loại 15%?
Ông Trần Xuân Định: Thật là khó lý giải! Các doanh nghiệp thành viên VSTA kêu với chúng tôi rằng: “Quyền trong tay họ, khó nói lắm anh ơi!”.
Tôi đã có 2 buổi gặp gỡ và trao đổi cùng hơn 20 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hạt giống rau, họ nói rằng, cũng đã viện dẫn luật, nghị định, thông tư..., đủ cả, nhưng cán bộ hải quan khi làm thủ tục thông quan họ lại chỉ dựa trên chú giải Thông tư 65 của Bộ Tài chính (quả và hạt có dầu nhập khẩu phải chịu thuế - PV).
VSTA đã có công văn kiến nghị với Tổng cục Hải quan, và để rõ hơn, phía Tổng cục đề nghị có văn bản xác nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về danh mục các giống rau, dưa, bí trong nước chưa sản xuất đủ, cần thiết phải nhập khẩu phục vụ sản xuất.
Từ yêu cầu đó, Hiệp hội chúng tôi đã làm việc và kiến nghị với Bộ NN-PTNT, theo đó Bộ đã ban hành công văn số 4481/BNN-TT ngày 02/7/2020 về danh mục một số giống rau, dưa, bí trong nước chưa đáp ứng được cần thiết phải nhập khẩu. Như thế là rõ ràng. Vậy mà các doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan lại bị yêu cầu khai lại các tờ khai hải quan đã được thông quan từ tận những năm trước, thậm chí bắt truy thu, nếu không khai lại, không nộp thuế bổ sung thì hạt giống rau hay hạt giống gì cũng dừng lại, cho vào “luồng đỏ” và… đợi!
Tôi cho rằng đấy là cung cách “hành doanh nghiệp” của phía hải quan!
Hạt giống vốn có thời vụ, thời hạn bảo quản nhất định, phải đảm bảo tỷ lệ nảy mầm, độ ẩm, độ sạch theo quy chuẩn quốc gia, càng để càng chết khi thời vụ qua đi hạt giống còn bán được cho ai, chưa nói tỷ lệ nảy mầm thấp, hư hỏng do bảo quản không đủ điều kiện ở kho bãi cảng...
Doanh nghiệp họ ấm ức, bức xúc vì tình trạng không thống nhất, không minh bạch giữa các chi cục hải quan, chỗ thì áp mức thuế bằng 0% (mã 1209), chỗ lại thu thuế 10-15% tùy loại (áp mã 1207), hiểu sai hết văn bản hướng dẫn.
Ngày 9/9/2020, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đã có công văn số 14/2020/CV-VSTA kiến nghị Tổng cục Hải quan về việc hải quan khu vực vẫn áp thuế đối với hạt giống nhập khẩu trong nước chưa sản xuất đủ, không đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Đáng tiếc đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.
Quy định đã quá đủNhư vậy, nếu nói về các quy định pháp luật thì đã quá đủ, các loại hạt giống cây trồng nói chung, nhóm giống rau, dưa, bí nói riêng trong nước chưa sản xuất đủ, hưởng chính sách ưu đãi thuế 0% như quy định tại Luật Thuế xuất nhập khẩu 107/2016/QH13, được hướng dẫn rõ hơn tại Điều 18 Nghị định 134/2016/NĐ-CP: “Giống cây trồng, vật nuôi... trong nước chưa sản xuất được cần thiết nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Khoản 12, Điều 16 Luật thuế xuất nhập khẩu”.
Nông nghiệp của Việt Nam vốn là thế mạnh, những lúc khó khăn do dịch bệnh, khủng hoảng, nông nghiệp trở trành trụ cột, sản xuất rau hoa quả lại là ngành hàng mũi nhọn trong tái cấu trúc nông nghiệp của ta, đừng vì “tham bát bỏ mâm”, đánh thuế, giá hạt giống cao, nông dân không mặn mà với sản xuất, bởi vốn đã rủi ro nhiều do thiên tai, dịch bệnh, giá giống cao, giá thành đội lên, cạnh tranh vốn đã khó lại càng khó hơn.
Ông Trần Xuân Định, PCT Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam
Không thể đánh đồng hạt giống với hạt thương phẩm
PV: Có nhiều loại hạt nhập về để ép dầu hoặc làm thực phẩm, hải quan họ không phải cán bộ chuyên ngành nông nghiệp nên không biết đó là hạt dùng để làm giống nên mới có sự đánh đồng chăng?
Ông Trần Xuân Định: Để phục vụ tiêu dùng, hàng năm chúng ta nhập khá nhiều các loại hạt. Đó là sản phẩm thương mại. Ví như đậu tương, Việt Nam phải nhập hàng năm cỡ vài triệu tấn vừa là ép dầu thực phẩm, vừa chế biến thức ăn chăn nuôi, hay như hạt hướng dương, thầu dầu, lạc (đậu phộng) là nhóm hạt có tỷ lệ dầu cao có thể nhập về ăn hoặc ép dầu. Các sản phẩm thương mại như thế phải chịu thuế nhập khẩu nếu có, là việc bình thường. Còn với hạt giống (được ưu đãi thuế) lại là vấn đề khác. Không thể đánh đồng hạt giống với hạt thương phẩm.
Về hạt giống, tờ khai kỹ thuật rồi xuất xứ hàng hóa, vận đơn... tôi nghĩ đã có những quy định khá rõ. Thứ nhất lượng nhập của mỗi đơn vị chỉ vài trăm kg, loại hạt đắt chỉ vài chục kg, các loại hạt giống rau này ít có doanh nghiệp nhập lên con số đơn vị ngàn kg, vì rất đắt. Thứ hai, giống rau, dưa, bí hiện nay nhập về sản xuất đều là hạt giống lai F1 có giá cao gấp hàng trăm lần giá của hạt thương phẩm, vậy thì có ai đi nhập hạt giống về ép dầu không? Thứ ba, hạt giống thường được xử lý thuốc hóa học để loại trừ nấm bệnh và nhuộm màu để phân biệt nên không thể sử dụng thương phẩm.
Tôi cho rằng, phía hải quan nếu không có chuyên môn về hạt giống thì phải tham khảo cơ quan chuyên môn, tránh đánh đồng hạt giống với hạt thương phẩm rồi áp thuế không đúng quy định pháp luật.