dd/mm/yyyy

Sơn La: Thực hiện phương châm '4 tại chỗ' trong phòng, chống thiên tai

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất các ảnh hưởng và thiệt hại.

Clip: Thực hiện tốt phương châm '4 tại chỗ' trong phòng, chống thiên tai

Sơn La - địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai thiên tai

Những năm gần đây, Sơn La là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên xảy ra các đợt mưa đá, lũ quét, sạt lở đất đá… Đặc biệt là xuất hiện các dạng thiên tai xảy ra bất thường, khó lường với tần suất và cấp độ ngày càng gia tăng, gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La thông tin: Với phương châm "phòng là chính", đầu mỗi mùa mưa, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La đã bổ sung phương án, chủ động kế hoạch, lực lượng, phương tiện, vật tư, hàng hoá phục vụ công tác PCTT&TKCN. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai. Kiểm kê trang thiết bị phòng, chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn tại các ngành, địa phương, đơn vị cơ sở.

Thực hiện tốt phương châm '4 tại chỗ' phòng, chống thiên tai- Ảnh 1.

Sơn La là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai. Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện phương án PCTT, theo phương châm "4 tại chỗ". Kiểm tra hồ, đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, hệ thống điện, thông tin truyền thông, các công trình thi công xây dựng an toàn trước và trong mùa mưa lũ. Chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác thường trực phòng tránh, đối phó với các tình huống thiên tai trong mùa mưa lũ. 

"Để chuẩn bị tốt cho phòng chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban phòng chống thiên tai tỉnh chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh ngay từ đầu năm ban hành các văn bản về công tác phòng chống thiên tai đó là chỉ thị của UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai. Trên cơ sở phòng chống thiên tai 2021-2025 tham mưu kế hoạch chi tiết về phòng chống thiên tai tỉnh . Trên cơ sở đó các địa phương lập kế hoạch chi tiết cho địa phương mình để triển khai thực hiện tốt lĩnh vực phòng chống thiên tai" ông Thịnh nói.

Thực hiện tốt phương châm '4 tại chỗ' phòng, chống thiên tai- Ảnh 2.

Bộ đội biên phòng Sơn La hỗ trợ người dân qua khu vực sạt lở đất đá. Ảnh: Văn Ngọc

Tại xã Chiềng Xôm (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), suối Nặm La chảy qua 8 bản, với chiều dài khoảng 7 km, dọc 2 bên bờ là cánh đồng trồng lúa, hoa, ao nuôi thủy sản, hoa màu... của bà con. Ở cuối hạ lưu dòng suối hẹp, lại nông do lượng phù sa thường xuyên bồi đắp. Khi nước lũ dồn về thường gây ngập úng trên diện rộng khiến giao thông bị chia cắt, vùi lấp hoa màu của người dân.

Ông Lò Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: Trước tình trạng diễn biến phúc tạp của thiên tai, để chủ động phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố Sơn La đã chỉ đạo UBND các xã, phường, các phòng, ban, đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác PCTT&TKCN, tích cực thực hiện phòng chống thiên tai, nhất là phòng chống sạt lở đất, phòng chống ngập úng.

Thực hiện tốt phương châm '4 tại chỗ' phòng, chống thiên tai- Ảnh 3.

Xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La nằm ở hạ lưu suối Nậm La, mỗi khi mùa mưa đến, khu vực này thường xuyên bị ngập lụt. Ảnh: Văn Ngọc

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai

Trên thực tế, những năm qua, Sơn La đã chịu ảnh hưởng của nhiều đợt không khí lạnh, nhiều đợt rét đậm, rét hại, băng giá, mưa đá, cũng như các đợt mưa lũ, giông lốc... khiến nhiều người tử vong và bị thương; gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Riêng từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.

Phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động rà soát, kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Rà soát các điểm dân cư, các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, có phương án di dời nhân dân đến nơi an toàn. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", các địa phương gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện tốt phương châm '4 tại chỗ' phòng, chống thiên tai- Ảnh 4.

Lực lượng biên phòng Sơn La hỗ trợ người dân tu sửa lại nhà cửa sau mưa bão. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: Huyện Mường La là một trong những địa phương thường xuyên phải đối mặt với các nguy cơ thiên tai, đặc biệt là mưa lũ và sạt lở đất. Chính quyền huyện đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai và đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Chúng tôi đã tiến hành rà soát, kiểm tra và củng cố các công trình phòng chống lũ lụt, như đê điều, hồ đập và hệ thống thoát nước. Đồng thời, công tác tuyên truyền và diễn tập cứu hộ, cứu nạn cũng được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của người dân.

Theo dự báo trong năm 2024, tình hình thiên tai tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu thế các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới sẽ có khoảng từ 7-10 cơn, gây mưa lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Sơn La. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.

Thực hiện tốt phương châm '4 tại chỗ' phòng, chống thiên tai- Ảnh 5.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, để làm tốt công tác phòng chống thiên tai, đã ban hành chỉ thị để tổ chức các cuộc diễn tập phòng chống thiên tai, nhằm nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương đặc biệt cho cộng đồng về phòng chống thiên tai. 

Bên cạnh đó, ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; thực hiện xã hội hóa nguồn lực, nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản, từng bước xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai. 

Văn Ngọc