dd/mm/yyyy

Than Uyên phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung

Thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đời sống của người dân huyện Than Uyên (Lai Châu) không ngừng cải thiện, nâng cao.

Ghi nhận từ huyện vùng cao Than Uyên

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, chị Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên, cho biết: Than Uyên là huyện đầu tiên của tỉnh Lai Châu về phát triển nông sản hàng hóa. Ngay từ giai đoạn 2011 – 2015, huyện Than Uyên đã triển khai thực hiện chương trình phát triển nông sản hàng hóa. Trước đó, huyện Than Uyên đã triển khai dự án "Thâm canh, tăng vụ nâng cao hiệu quả sản xuất tại cánh đồng Mường Than". Đây là cánh đồng rộng thứ 3 Tây Bắc.

Than Uyên quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 1.

Cây chè là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện Than Uyên. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện được người dân các xã, thị trấn hưởng ứng nhiệt tình và tích cực tham gia. Trên cơ sở thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, của tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho bà con nông dân. Được hưởng lợi từ các chương trình, dự án của Nhà nước, người dân trong huyện mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất thâm canh, tăng vụ, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có chất lượng" – chị Thủy nhấn mạnh.

Than Uyên đánh thức lợi thế hàng hoá

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, huyện Than Uyên đã lựa chọn được những cây, con chủ lực, từ đó vận động, hỗ trợ người dân thực hiện. Nói như Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên, thì trình độ sản xuất cũng như nhận thức của người dân trong huyện về nông nghiệp hàng hóa đã được nâng lên nhiều so với trước.

Than Uyên quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 2.

Đặc sản gạo Séng Cù ở Than Uyên được nhiều khách hàng lựa chọn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như trước, những năm gần đây, người dân các xã, thị trấn của huyện Than Uyên đã chú trọng đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích, đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ đó, đã góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện, như: Vùng trồng lúa lên đến hơn 1000ha, vùng chè, mắc ca và vùng nuôi cá lồng.

"Đến thời điểm hiện tại, huyện Than Uyên đã có 4 sản phẩm OCOP từ gạo như: Gạo Séng Cù, gạo nếp Tan Pỏm, gạo tẻ tròn, gạo Nhật. Thành quả này bắt nguồn từ việc đi sâu vào sản xuất hàng hóa. Các sản phẩm gạo đặc sản của huyện Than Uyên đã có mặt ở một số siêu thị lớn như: BigC, Vinmart và được thị trường đánh giá cao về chất lượng" – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho hay.

Than Uyên quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 3.

Huyện Than Uyên phấn đấu nâng tổng số lồng nuôi cá lên 1000 lồng trong giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo chị Thủy, thời gian tới, huyện Than Uyên tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Than Uyên đề ra mục tiêu cho các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đó là: Vùng trồng lúa tập trung, với diện tích 1500ha; vùng trồng chè khoảng 2000ha, vùng trồng mắc ca 2000ha và khoảng 1000 lồng nuôi cá trên các lòng hồ thủy điện.

Khác với giai đoạn trước, giai đoạn 2021 – 2025, ngoài việc tiếp tục vận động người dân đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích, huyện Than Uyên chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các đối tượng mà huyện Than Uyên hướng tới, đó là doanh nghiệp và hợp tác xã. Đây là lực lượng nòng cốt trong phát triển sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện.

"Các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ liên kết với người dân để đẩy thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện phát triển. Cùng với vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, huyện Than Uyên tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Lai Châu để thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn" – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên thông tin.

 

Thanh Ngân - Phạm Hoài