Vượt khó đưa Sơn La tăng trưởng
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, nhiều giải pháp chưa có tiền lệ được triển khai thực hiện để ngăn chặn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, sức khỏe Nhân dân. Tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, với sự cố gắng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với những việc làm cụ thể, Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng .
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 3 năm (2021-2023) ước đạt 6,71%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. GRDP bình quân trên đầu người năm 2022 đạt 48,96 triệu đồng/người/năm (tăng 4,86 triệu đồng so với năm 2020). Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm vượt dự toán Trung ương giao (năm 2021 đạt 4.276 tỷ đồng, bằng 121% dự toán Trung ương giao; năm 2022 đạt 4.636 tỷ đồng bằng 123% dự toán Trung ương giao).
Nông nghiệp Sơn La không ngừng tăng trưởng
Ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá và ứng dụng công nghệ cao. Tập trung xây dựng tỉnh Sơn La trở thành Trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu của vùng Tây Bắc.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 83.000 ha cây ăn quả (sản lượng đạt trên 450.000 tấn); có 18.963 ha cà phê (sản lượng cà phê nhân đạt trên 29.600 tấn, giá trị cà phê nhân theo giá thị trường đạt 1.266 tỷ); 281 mã số vùng trồng với diện tích 4.608,45 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu (tăng 100 mã số so với năm 2020); có 24 sản phẩm mang địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 02 sản phẩm được bảo hộ tại Châu Âu và Thái Lan.
Sơn La đã có 110 sản phẩm OCOP (tăng 27 sản phẩm so với năm 2020); 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn (tăng 65 chuỗi so với 2020); có 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 04 vùng so với năm 2020) và 787 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao trên 01 ha: Chanh leo tím và Bơ ghép 600 triệu/ha, Xoài ghép 500 triệu/ha, Nhãn ghép 360 triệu/ha, Na Hoàng hậu ghép gần 1 tỷ đồng/ha.
Để triển thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, tỉnh Sơn La đang tập trung cao độ để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu thực hiện các định hướng lớn trong nhiệm kỳ 2020-2025: Tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện; bảo đảm quốc phòng, an ninh.