dd/mm/yyyy

Nông dân vùng cao làm giàu từ sản phẩm OCOP

Với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, huyện Mai Sơn (Sơn La) đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Clip: Nông dân vùng cao làm giàu từ sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP nâng cao thu nhập cho nông dân

Khai thác những tiềm năng lợi thế sẵn có, thời gian qua huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã chú trọng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Qua đó, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, giúp người sản xuất có điều kiện nâng cao chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hợp tác xã ARA - Tay Coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được thành lập tháng 3/2020, gồm 14 thành viên với tổng diện tích 50 ha, hoạt động chủ lực trồng, chế biến cà phê đặc sản. Là một trong những đơn vị đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, HTX Ara-Tay coffee, được các đơn vị chuyên môn của huyện và tỉnh tư vấn hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Tham gia chương trình OCOP, HTX đăng ký sản phẩm cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh với mong muốn các sản phẩm của HTX được chứng minh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được quảng bá rộng rãi hơn, tạo lợi thế để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường.

Nông dân vùng cao làm giàu từ sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Vùng nguyên liệu cà phê của HTX Ara-Tay coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Ara-Tay coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: Để xây dựng sản phẩm OCOP, trong quá trình sản xuất, các thành viên Hợp tác xã đã tuân thủ các quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng như: các thành viên phải có sổ ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

"Với những nỗ lực, đoàn kết của cả tập thể hợp tác xã trong thời gian qua. Năm 2022, sản phẩm cà phê của Hợp tác xã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La công nhận sản phẩm Nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2022 theo Quyết định số 02/QĐ-BTC ngày 10/11/2022; chứng nhận sản phẩm OCOP cà phê Aratay đạt chứng nhận 4 sao".

Nông dân vùng cao làm giàu từ sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

HTX Ara-Tay coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với hộ gia đình ông Hồ Văn Sâm, bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, một trong những hộ gia đình có số lượng đàn ong lớn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Tham gia Chương trình xây dựng sản phẩm OCOP, gia đình ông Hồ Văn Sâm đã tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật, nắm bắt đặc điểm sinh học của loài ong và áp dụng khoa học công nghệ vào từng thời điểm, nguồn hoa, thời tiết.

Qua hơn 50 năm gắn bó với nghề nuôi ong, đến nay gia đình ông đã có hơn 1.000 đàn ong, phát triển cả trong và ngoài tỉnh, cho thu hoạch đủ loại sản phẩm từ ong như: Mật ong, phấn ong, sáp ong, keo ong, nọc ong, ấu trùng ong và sữa ong chúa có chất lượng tốt. Tổng doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Đến nay Sản phẩm mật ong Hồ Sâm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, qua đó tạo thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm mật ong ra thị trường.

Nông dân vùng cao làm giàu từ sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Nhờ xây dựng thương hiệu OCOP, sản phẩm mật ong của hộ gia đình ông Hồ Văn Sâm, bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã nâng cao được chất lượng sản phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Trao đổi với phóng viên, bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Để thực hiện tốt các nhiệm vụ giao, trong thời gian tới huyện Mai Sơn phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh khâu nối giữa các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm OCOP với các điểm giới thiệu sản phẩm Ocop của tỉnh để vận hành có hiệu quả các điểm trưng bày sau khi khai trương đi vào hoạt động.

Các điểm giới thiệu sẽ phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế và là cầu nối đưa các sản phẩm OCOP đặc trưng của các địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất có động lực và điều kiện tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Nông dân vùng cao làm giàu từ sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Huyện Mai Sơn đẩy mạnh hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 3.500 ha cây trồng áp dụng sản xuất công nghệ cao; có 51 doanh nghiệp, HTX ứng dụng sản xuất trên 1.000 ha cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Huyện có 12 sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, huyện Mai Sơn sẽ xây dựng các mô hình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương); ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; canh tác trong nhà kính, nhà lưới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm.

Nông dân vùng cao làm giàu từ sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Xây dựng và phát triển hợp tác xã nông nghiệp để khâu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp.

"Huyện Mai Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư để các đối tác, doanh nghiệp, người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ sản phẩm OCOP, cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh", bà Khai nói.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh