dd/mm/yyyy

Tân Uyên: Chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hoá

Chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, sản xuất hàng hoá, có áp dụng khoa học công nghệ giúp nhiều hộ dân ở Tân Uyên (Lai Châu) có cơ hội làm giàu.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt/Trangtraiviet Điện tử, anh Bùi Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) cho biết: Huyện Tân Uyên có diện tích đất bằng, rộng, lại được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu mát mẻ, trong lành, rất thích hợp với nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại. 

Tân Uyên: Chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hoá   - Ảnh 1.

Chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung đang là hướng đi hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu). Ảnh: Bảo Anh

Để phát huy tiềm năng sẵn có, những năm qua, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung. Đồng thời, áp dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đến nay nhiều hộ chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng quy mô từ nhỏ lẻ sang mô hình gia trại, trang trại, nhờ đó thu nhập tăng lên rõ rệt.

Theo chân anh Trung, chúng tôi tới thăm mô hình của gia đình ông Phan Đức Vinh, tổ dân phố 6, thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Mô hình chăn nuôi gia súc được gia đình ông Vinh thiết kế khoa học trên diện tích hơn 1.000m2 để chăn nuôi bò thương phẩm và bò sinh sản. Trò chuyện với chúng tôi, ông Vinh cho biết: Vốn có kinh nghiệm chăn nuôi đại gia súc từ nhiều năm trước, nên năm 2012 tận dụng diện tích đất sẵn có, gia đình tôi chuyển hướng sang chăn nuôi bò tập trung để phát triển kinh tế với quy mô gần 20 con, lợi nhuận mang lại mỗi năm gần 100 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả kinh tế lớn, năm 2016 gia đình tôi quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi bò với số lượng từ 70 - 100 con. Đồng thời, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại tập trung và sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, gia đình tôi còn dành 4ha đất trồng ngô, cỏ voi làm thức ăn xanh. Nhờ chăn nuôi đại gia súc theo đúng các quy trình kỹ thuật và tiêm phòng vaccine định kỳ, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 50 con bò, trong đó có khoảng 40 con bò giống, 10 con bò bán thịt; trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Tân Uyên: Chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hoá   - Ảnh 3.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tân Uyên đã chuyển từ việc chăn thả gia súc sang nuôi nhốt tập trung. Ảnh: Vinh Duy

Hiệu quả kinh tế nhờ chăn nuôi đại gia súc tập trung theo hướng hàng hoá của bà con trên địa bàn huyện Tan Uyên rất rõ nét, gia đình anh anh Đoàn Văn Kiên, tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên đã học hỏi làm theo. Trước đây, gia đình anh Kiên cũng chỉ nuôi trâu, bò mô hình nhỏ lẻ, chưa biết đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi nhốt tập trung, sau khi được tham quan học hỏi từ nhiều mô hình của bà con trong huyện, anh đã đầu tư hệ thống chuồng trại quy mô, chỉ sau vài năm đan bò của gia đình anh đã lên 50 con, chủ yếu là bò sinh sản và hàng trăm con lợn. Để đàn bò phát triển tốt, anh Sinh sử dụng men vi sinh nuôi gia súc trên đệm lót sinh học để xử lý chất thải gia súc. Song song với đó, anh đầu tư vốn xây dựng khu nhà chế biến ủ thức ăn, ủ rơm cho trâu, bò; khu chế biến, giết mổ gia súc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, gia đình anh Kiên thu lãi vài trăm triệu đồng/năm.

Tân Uyên: Chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hoá   - Ảnh 4.

Huyện Tân Uyên đã xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc tập trung trên địa bàn huyện. Ảnh: Vinh Duy

Những năm gần đây, số hộ dân trên địa bàn huyện Tân Uyên đã chuyển từ việc chăn thả gia súc sang nuôi nhốt tập trung tăng dần hàng năm. Nhờ nuôi nhốt gia súc, người dân có thể chủ động trong việc tiêm phòng; hạn chế đến mức thấp nhất vật nuôi chết do dịch bệnh, giá rét. Ngoài ra, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, trực tiếp là ngành Nông nghiệp huyện, các mô hình chăn nuôi tập trung, nuôi nhốt trâu, bò đã được xây dựng và nhân rộng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, huyện Tân Uyên đã xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc tập trung trên địa bàn huyện. Trong đó, chú trọng vào việc tăng đàn gia súc với mục tiêu hàng năm tỷ lệ tăng đàn đạt từ 5 - 7%. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp là đơn vị chủ trì phối hợp với các phòng ban liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia chăn nuôi đại gia súc tập trung theo hướng hàng hóa. Đồng thời, thường xuyên xuống các hộ nắm tình hình, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, cải tạo tầm vóc cho đại gia súc và đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì vậy, các hộ dân nuôi gia súc nâng cao kiến thức, áp dụng vào thực tế cho hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, tận dụng nguồn vốn các nghị quyết, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Tỉnh ủy Lai Châu, huyện Tân Uyên đã hỗ trợ làm chuồng trại cho 29 hộ, nhóm hộ gia đình; hỗ trợ trồng hơn 1ha cỏ voi cho gần 200 hộ và 180 liều tinh giống bò babe, brah man cho 17 hộ nhằm cải tạo tầm vóc đàn gia súc với tổng số tiền hỗ trợ 2,7 tỷ đồng.

Đến nay, toàn huyện Tân Uyên có trên 46 nghìn con gia súc, trong đó đàn trâu, bò hơn 20.600 con. Ngoài ra, toàn huyện có 2 hợp tác xã chăn nuôi lớn với quy mô 100 con, 6 nhóm nông hộ và 30 gia trại, quy mô chăn nuôi từ 10 - 50 con gia súc.

Tân Uyên: Chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hoá   - Ảnh 5.

Tính đến nay, toàn huyện Tân Uyên có trên 46 nghìn con gia súc. Ảnh: Bảo Anh

Ông Bùi Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên cho biết: Với mục tiêu phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa và bền vững, thời gian tới huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò theo các mô hình nuôi nhốt tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi gia súc.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư vào chăn nuôi gia súc. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện có 5 -7 HTX phát triển tập trung về chăn nuôi và có gần 30 nhóm hộ chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại. Qua đó, thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Vinh Duy – Bảo Anh