Trao đổi với phóng viên, ông Đao Văn Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Thời gian qua, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết với mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết 05 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu. Theo đó, huyện ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên những tiềm năng, lợi thế. Từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các sản phẩm dựa trên điều kiện thế mạnh của từng vùng nhằm thúc đấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Mường Tè phát huy tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp
Mường Tè là huyện có thế mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, do đó các cấp chính quyền và nhân dân đồng lòng trong việc phát triển những sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu tiêu biểu như mắc ca, quế, cây cao su. Tập trung phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp đặc sản như dược liệu, mật ong, lúa thuần chất lượng cao. Phát triển công nghiệp chế biến, tìm kiếm sự liên kết từ các địa phương trong và ngoài tỉnh Lai Châu tham gia đầu tư xây dựng 2 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản như quế, mắc ca, cây dược liệu.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để hình thành và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trên cơ sở kế hoạch của huyện, Phòng NN&PTNT đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch vùng phát triển và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư và liên kết với người dân trồng các loại cây nông nghiệp chủ lực phù hợp với thực tế như vùng trồng cây mắc ca từ độ cao 500 – 1.200m so với mặt nước biển tại các xã Mường Tè, Pa Ủ, Nậm Khao, Bum Tở. Triển khai trồng trên những diện tích đất trồng chưa sử dụng hoặc đất nương rẫy trồng cây hàng năm hiệu quả kinh tế thấp, nhờ đó tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Triển khai hiệu quả đề án trồng quế giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ phát triển trồng mới trên 1.580ha tập trung tại các xã Bum Tở, Nậm Khao, Can Hồ, Thu Lũm, Mù Cả, Vàng San, Bum Nưa và một sô vùng lân cận ở độ cao dưới 800m so với mặt nước biển, ở khu vực có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với đặc tính sinh thái của cây quế.
Cùng với đó, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung diện tích 140ha tại các xã Mường Tè 50ha, Bum Nưa 50ha, Vàng San 40ha. Các giống lúa chất lượng, có giá trị kinh tế như: J01, J02, IR64, LH12...
Phát triển mới 2 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung theo hướng trang trại, gia trại tại thị trấn, Can Hồ; 5 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 2 cơ sở nuôi de tại các xã Bum Nưa, Vàng San, Can Hồ, Tà Tổng, Mường Tè và các xã có điều kiện. Duy trì, củng cố 2 cơ sở chăn nuôi đang có tại xã Vàng San và Bum Nưa.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá ở Mường Tè
Đến thăm xã Bum Tở, huyện Mường Tè những ngày cuối tháng 6, hình ảnh những đồi quế xanh mướt trải rộng ngút tầm mắt minh chứng cho những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Đưa chúng tôi thăm nương quế của bản Nậm Xả, ông Vàng Hù Chờ - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Hiện trên địa bàn xã Bum Tở bà con đã trồng trên 220ha quế và 10ha cây mắc ca. Qua thực tế triển khai chúng tôi thấy hai loại cây này rất hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây đang sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Trong thời gian tới, thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa của UBND huyện Mường Tè, xã tiến hành quy hoạch và tuyên truyền vận động nhân dân tham gia trồng hoặc phối hợp với các tổ chức doanh nghiệp triển khai trồng mới khoảng 500ha cây mắc ca và trên 600 cây quế. Tôi tin rằng đây sẽ là những cây nông nghiệp chủ lực giúp người dân Bum Tở xóa đói, giảm nghèo.
Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã được huyện Mường Tè đặt ra các mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 huyện phấn đấu trồng mới khoảng 1.900ha cây mắc ca, đưa tổng diện tích đạt trên 2.300ha; trồng mới trên 1.580ha cây quế, nâng tổng diện tích quế đạt khoảng trên 2.500ha. Chăm sóc, bảo vệ và khai thác ôn định 396ha cao su hiện có, sản lượng mủ cao su đạt 338 tấn/năm.
Hình thành vùng sản xuất lúa thuần năng suất, chất lượng cao diện tích khoảng 140ha. Hỗ trợ phát triển mới khoảng 15 sản phâm OCOP đạt 3 sao trở lên tham gia chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của huyện.
Định hướng đến năm 2030, toàn huyện có khoảng 6.800ha cây mắc ca; sản lượng quế đạt khoảng 450 tấn/năm (gồm cành, lá, vỏ). Giữ ổn định 140ha lúa thuần chất lượng cao, có 8 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung an toàn sinh học và 8 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 2 cơ sở nuôi dê...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị bằng kế hoạch với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 05, tin rằng Nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa sẽ tạo sự chuyển biến rõ nét cho nền nông nghiệp cũng như công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện vùng cao, biên giới Mường Tè.