Trồng bí xanh ra nhiều trái, ruộng chỗ nào cũng mát, nông dân Lai Châu bán đắt hàng

Vinh Duy – Bảo Anh Thứ hai, ngày 27/06/2022 06:19 AM (GMT+7)
Thí điểm trồng giống bí xanh đặc ruột theo hướng công nghệ cao, nông dân huyện Than Uyên (Lai Châu) bước đầu gặt hái thành công.
Bình luận 0

Clip: Mô hình trồng bí xanh của gia đình ông Phan Thanh Sơn, bản Sen Đông, xã Mường Than (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu)

Liên kết trồng bí xanh theo hướng công nghệ cao

Ông Phan Thanh Sơn, bản Sen Đông, xã Mường Than (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) là người tiên phong trồng thí điểm giống bí xanh theo hướng công nghệ cao, bước đầu gặt hái thành công hơn cả mong đợi.

Mặc dù cây bí xanh không quá xa lạ, nhưng khi bắt tay thực hiện mô hình thí điểm theo hướng công nghệ cao với hệ thống tưới tự động, làm giàn leo và quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, ông Sơn ngày nào cũng 2 lần ra thăm ruộng bí. 

Với sự liên kết, hỗ trợ của Công ty rau củ quả Ngọc Linh có trụ sở tại Sơn La, từ 150m2 bí xanh trồng đợt đầu tiên, gia đình ông Sơn đã thu gần 10 triệu đồng. Theo ông Sơn, ưu điểm lớn nhất của loại bí xanh này là quả nhỏ, thon dài, cùi dày và đặc ruột nên thị trường rất ưa chuộng.

Trồng bí xanh năng suất, lợi nhuận cao – Mở ra hướng đi mới cho nông dân Than Uyên   - Ảnh 2.

Mô hình trồng bí xanh tại huyện Than Uyên (Lai Châu) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bảo Anh

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, ông Phan Thanh Sơn nói: Trước kia, khu đất này chúng tôi trồng lúa, sau khi có dự án 30a, chúng tôi chuyển sang trồng rau màu. Khu vực trên này vẫn có trồng bí nhưng quy mô nhỏ lẻ, năng suất chưa cao.

Được thăm mô hình liên kết tại huyện Tân Uyên, nhận thấy mô hình trồng bí xanh theo phương pháp mới của bà con nông dân Tân Uyên cho hiệu quả khá cao. Cây bí xanh cho năng suất, sản lượng tốt nên tôi mạnh dạn áp dụng làm theo. Với sản lượng như này cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với việc trồng lúa.

Từ lợi thế có cánh đồng rộng thứ 3 Tây Bắc, nằm dọc trục quốc lộ 32, xã Mường Than đã hình thành những vùng sản xuất lúa, rau màu tập trung. Và hiện đang là 1 trong 3 xã của huyện Than Uyên được lựa chọn triển khai mô hình trồng bí xanh có sự liên kết với doanh nghiệp của tỉnh bạn. Cây trồng này đang hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng bí xanh năng suất, lợi nhuận cao – Mở ra hướng đi mới cho nông dân Than Uyên   - Ảnh 4.

Thường xuyên vệ sinh ruộng bí xanh, tỉa bỏ lá già, giúp ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh để cây bí phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Vinh Duy

Chia sẻ về hướng phát triển mô hình trồng bí xanh tại địa phương, ông Phạm Văn Bốn – Bí thư Đảng ủy xã Mường Than, huyện Than Uyên cho biết: Năm 2021, xã tiến hành liên kết với Công ty rau củ quả Ngọc Linh ở Sơn La để trồng thí điểm mô hình bí xanh. 

Để triển khai thực hiện, chúng tôi lựa chọn 16 gia đình có kinh nghiệm, tâm huyết, năng lực sản xuất và triển khai thí điểm trên diện tích 3,5ha.

Hiện nay, một số diện tích bí đã bước vào thời kỳ thu hoạch, sơ bộ chúng tôi đánh giá năng suất lứa sớm vào khoảng 10 tấn/1000m2; bước đầu tạo đột phá, khích lệ bà con Nhân dân, sau khi thành công chúng tôi cũng sẽ nhân rộng lên 10 – 15ha trong năm 2023.

Trồng bí xanh năng suất, lợi nhuận cao – Mở ra hướng đi mới cho nông dân Than Uyên   - Ảnh 5.

Mô hình trồng bí xanh thí điểm ở Than Uyên theo hướng công nghệ cao với hệ thống tưới tự động, làm giàn leo và quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Ảnh: Bảo Anh

Mở rộng diện tích trồng bí xanh đặc ruột

Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, huyện Than Uyên bước đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như điều kiện canh tác của địa phương. Đồng thời, tìm kiếm, liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp ở các tỉnh bạn tham gia đồng hành, hỗ trợ từ giống, kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Quá trình mở rộng diện tích đối với cây bí xanh, huyện Than Uyên nhất quán quan điểm không triển khai đại trà mà thực hiện thí điểm, thành công sẽ tiếp tục nhân rộng. Đó là lí do năm 2022, huyện Than Uyên quyết định thực hiện thí điểm 6,3ha bí xanh tại 3 xã: Mường Than, Mường Kim và Phúc Than. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất, chất lượng và giá thành đạt cao.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Hiện huyện đang triển khai thêm một số mô hình nhưng không làm đại trà, thực hiện bước đi vững chắc rồi mới tiếp tục nhân rộng. Qua mô hình bí xanh, ngô ngọt, khoai tây chúng tôi đang tập trung cho ruộng sản xuất 1 vụ, thực hiện đảm bảo tăng thu nhập, hệ số sử dụng đất, không để bà con không phải làm ăn xa, giữ lại hiệu quả cao hơn và chuyên canh sâu hơn.

Trồng bí xanh năng suất, lợi nhuận cao – Mở ra hướng đi mới cho nông dân Than Uyên   - Ảnh 6.

Huyện Than Uyên lựa chọn giống bí xanh để chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Vinh Duy

Theo tính toán sơ bộ, chi phí đầu vào cho 1ha bí đao xanh gồm giàn, dây cước và cọc khoảng 90 triệu đồng; thu nhập sau trừ chi phí đạt khoảng 40 triệu đồng. Cây bí xanh cho thu hoạch 2 vụ/năm, mỗi giàn có giá trị sử dụng khoảng 5 năm và dây cước làm giàn là 3 năm. Các công ty, hợp tác xã liên kết đang hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như toàn bộ quy trình kỹ thuật, cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

Có thể khẳng định, trong nhiều loại cây trồng đã và đang được các xã, thị trấn của huyện Than Uyên lựa chọn để tạo đột phá trong sản xuất thì bí xanh là một trong những điểm nhấn trong bức tranh chung của ngành Nông nghiệp Than Uyên. Điều đó, không chỉ tạo đột phá trong sản xuất còn góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem