Đến với vườn dâu tây rộng 1ha của chị Nguyễn Thị Bảy, tiểu khu 14, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vườn dâu tây xanh bạt ngàn được lên luống và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động hiện đại. Từng luống dâu tây đều sai trĩu quả, chín mọng nước, tỏa hương thơm nức mũi khi chúng tôi dạo bước tham quan trải nghiệm tại vườn.
Đang thoăn thoắt hái dâu tây giữa vườn bán cho các thương lái, chị Bảy mừng rỡ thấy chúng tôi là khách mở hàng cho chị vào buổi sáng sớm. Chị Bảy chào hàng: Các anh đến mua dâu tây làm quà Tết ? Năm nay thời tiết ủng hộ luống dâu tây nào cũng đều cho quả to và đẹp. Các anh cứ lấy rổ tự hái và chọn quả, giá cả tôi sẽ không lấy đắt đâu, coi như mở hàng cho tôi.
Nghe đến đây, chúng tôi cười và nói: Dâu tây chúng tôi sẽ mua, nhưng chị có thể cho biết cơ duyên nào đưa chị đến với nghề trồng dâu tây và chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc dâu tây được không.
Chị Bảy đáp: Các anh là phóng viên à? Tôi đến với nghề dâu tây đơn giản lắm, tất cả cũng vì mong muốn có thu nhập ổn định và làm giàu thôi. Tôi làm vườn cũng được nhiều năm nay, nhận thấy ở Mộc Châu có nhiều điểm tham quan du lịch, nhu cầu thưởng thức hoa quả tươi và trải nghiệm của du khách khá cao, nên tôi mua 400 cây dâu tây giống ở xã Đông Sang về trồng thử lấy kinh nghiệm. Sau đó thấy cây phát triển xanh tốt, tôi lên mạng học cách chăm sóc, rồi tự nhân giống dâu tây trồng trên 1ha vườn.
Vườn dâu tây được chị Bảy trồng theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu nên chất lượng quả rất bảo đảm yếu tố sạch và an toàn. Với đặc điểm quả đỏ, mọng nước, thơm ngon, giống dâu tây HaNa của chị trồng được nhiều khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao. Hàng năm cứ đến giáp Tết âm lịch, rất đông khách hàng và thương lái ngoài huyện, thành phố và các tỉnh thành dưới xuôi đến tận vườn gia đình chị đặt hàng trước.
Theo kinh nghiệm của chị Bảy, khâu quyết định đến sự phát triển của dâu tây chính là khâu chọn giống. Cây giống phải khỏe mạnh mới có khả năng đề kháng bệnh cao. Khi làm đất phải đảm bảo độ tơi xốp, đất đã làm sạch, bón phân đúng liều lượng theo từng giai đoạn phát triển của cây. Chị Bảy thường dùng phân chuồng, vi sinh và phân hữu cơ tưới cho cây trồng. Nhờ đó, mà vườn dâu tây của gia đình chị luôn cho sai quả và không hay bị sâu bệnh.
Để giảm sức lao động, tăng sản lượng cây trồng, chị Bảy tiến hành tỉa lá, đầu tư vốn lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để giảm bớt chi phí. Mỗi ngày chị tưới nước từ 2 lần - 3 lần cho vườn dâu tây, tùy theo điều kiện thời tiết nóng hay lạnh mà điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp. Mùa dâu tây kéo dài khá lâu, khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau nên gần như cho thu nhập đều mỗi tháng.
Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, chị Nguyễn Thị Bảy, tiểu khu 14, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu cho biết: Từ lúc tôi trồng dâu tây đến nay, gia đình tôi chưa bao giờ phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm. Nhất là vào thời điểm đến Tết Nguyên đán, rất nhiều thương lái và khách hàng đến đặt hàng trước. Vì vậy dâu tây của tôi thu hoạch đến đâu thì bán hết đến đó. Tôi bán lẻ với giá 220.000 đồng/kg, bán buôn 300.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí bình quân mỗi năm tôi lãi hơn 500 triệu đồng, giờ đây cuộc sống của gia đình đã sung túc và dư giả lên nhiều.