Sơn La thức dậy những tiềm năng hàng hóa

Bài, ảnh: Minh Ngọc

19/12/2018 16:29 GMT +7

Từ củ sắn, củ khoai, trái sơn tra truyền thống cho tới chanh leo, cam Canh, xoài Đài Loan… đang được tỉnh Sơn La quan tâm đầu tư phát triển để thành những đòn bẩy kích cầu cho tam nông. Phong trào xây dựng những sản phẩm mũi nhọn được Sơn La triển khai bài bản và hiệu quả.

Thức dậy tiềm năng sẵn có

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường La – ông Nguyễn Văn Tâm, kể: Từ ngày Mường La đánh thức những tiềm năng sẵn có như: Xoài hôi, táo Mường Bú; nhãn trái mùa ở Ngọc Chiến, Chiềng Ân; táo sơn tra ở Mường Chiến… thì đời sống của nông dân thay đổi hẳn, đặc biệt là nếp nghĩ, cách làm của bà con.

Khoai sọ Cụ Cang của huyện Thuận Châu đã được đầu tư phát triển và quảng bá mạnh tại lễ hội nông sản Thuận Châu năm 2018 vừa tổ chức đầu tháng 11.2018
Khoai sọ Cụ Cang của huyện Thuận Châu đã được đầu tư phát triển và quảng bá mạnh tại lễ hội nông sản Thuận Châu năm 2018 vừa tổ chức đầu tháng 11.2018

Chủ tịch UBND huyện Mường La – ông Nguyễn Đức Thành, cho biết: Mường La là đơn vị đầu tiên trong tỉnh tổ chức xuất khẩu nông sản trong năm 2018 và đang xây dựng những phương án tối ưu để tạo bứt phá trong xuất khẩu nông sản. “Phải tạo ra những nông sản thật sự có sức cạnh tranh thì mới chiếm lĩnh được thị trường lớn và mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Hiện, chúng tôi đã đánh thức được tiềm năng sẵn có và tiếp tục đầu tư mở rộng để thành những mũi nhọn nông sản xuất khẩu. Toàn huyện đã có hàng trăm hecta cây ăn quả; trong đó táo sơn tra với lợi thế khí hậu lạnh và chất đất tốt trên dãy Hoàng Liên đã trở thành một trong những nông sản xuất khẩu có lợi thế. Ngoài ra, còn 3 sản phẩm chính đã có nguồn gốc lâu đời là: Xoài hôi, táo xanh, nhãn trái mùa cũng đang được chúng tôi khai thác triệt để trên cả 3 phương diện: Diện tích, năng xuất, sản lượng”.

Không chỉ ở Mường La mà các huyện khác trong tỉnh Sơn La đều đang cố gắng phát huy lợi thế sẵn có để tạo nguồn nông sản xuất khẩu. Cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng vào cuộc rất quyết liệt; nông dân năng động, mạnh dạn, chịu khó học hỏi và dám đầu tư. Nhờ thế, năm 2018, từ củ khoai sọ tới lá chè xanh; từ trái nhãn tươi tới na, xoài, mận hậu, cam… đều được Sơn La hướng tới thị trường tiêu thụ ngoại tỉnh. Những cái tên sản phẩm gắn với địa danh nghe lạ nhưng rất cuốn hút người tiêu dùng: Khoai sọ Cụ Cang, chè Phỏng Lái, chè Phiêng Cằm, xoài Mường Bú, xoài Tú Nang, sơn tra Bắc Yên… lần lượt được tỉnh Sơn La gắn với những lễ hội, những dịp quảng bá thương hiệu lớn.

Truyền thống đi cùng hiện đại

Điều đáng ghi nhận là Sơn La đã biết gắn kết những nông sản, ngành nghề truyền thống với nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Tại những lễ hội, dịp quảng bá nông sản, Sơn La luôn gắn với công bố bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, trao chứng nhận sản phẩm VietGAP… Đến với những vườn xoài trĩu quả trên đất Tú Nang, Chiềng Hặc… của huyện Yên Châu, chúng tôi được ông Hà Như Huệ, cho biết: Yên Châu đã đặt được nền móng đầu tiên cho việc xuất khẩu nông sản từ những trái xoài. Xoài của Yên Châu có sự kết hợp giữa lợi thế trời cho về khí hậu với nguồn gen xoài giống gốc và phương pháp lai ghép mới. Nhờ đó, chất lượng xoài Yên Châu không chỉ ngon hơn mà còn sạch hơn, đẹp hơn, đạt mỹ quan hơn.

Cải bắp trái vụ là nông sản chính của nông dân vùng thấp Mộc Châu, Sơn La, cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng cây lương thực trước đây.
Cải bắp trái vụ là nông sản chính của nông dân vùng thấp Mộc Châu, Sơn La, cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng cây lương thực trước đây.

Để làm rõ hơn câu nói của Chủ tịch huyện Yên Châu, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La. Ông Hùng tâm sự: Tất cả những nông sản truyền thống của Sơn La trước khi trở thành hàng hóa xuất khẩu đã có bước “hội nhập” rất lớn.
Chính chi cục chúng tôi đã vào cuộc từ những khâu đầu tiên để có được những hội nhập đó: Tập huấn kỹ thuật, cầm tay chỉ việc cho nông dân trong các khâu: Chọn giống, ghép mắt, tỉa cành, tỉa quả, chăm bón, hái quả, đóng bao gói… Để có được 1 sản phẩm nông nghiệp truyền thống ở tấm nhỏ lẻ vươn tới xuất khẩu thì các yếu tố hiện đại mang tính quyết định. Do đó, Sơn La năm nay thành công rực rỡ trong xuất khẩu nông sản chính là bởi Sơn La kết hợp hài hòa giữa cái riêng và cái chung, giữa truyền thống và hiện đại.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban chỉ đạo xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La, thị trường tiêu thụ nông sản của Sơn La đang ngày càng mở rộng tới nhiều quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính: Úc, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Hàn Quốc… Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quyết liệt trong hoạt động xuất khẩu nông sản. Hiện, toàn tỉnh đã có 315 hợp tác xã nông nghiệp, 3 liên hiệp hợp tác xã; 47 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn. Tỉnh cũng đã thu hút Tập đoàn VinGroup, TH, Công ty Nafood Tây Bắc và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nhân và các hoạt động hỗ trợ, đồng hành, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trên địa bàn.