dd/mm/yyyy

Sơn La: Tập huấn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Sáng nay (7/10), tại thành phố Sơn La, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kiến thức về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2020 cho gần 180 học viên.

Đây là đợt tập huấn lần 2, được tổ chức trong 3 ngày (7/10 đến 9/10). Trước đó, cũng tại hội trường Khách sạn Hoàng Gia, đợt tập huấn lần 1 đã được Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La tổ chức trong 3 ngày (21/9 đến 23/9).

Sơn La: Tập huấn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - Ảnh 1.

Lớp tập huấn Chương trình OCOP thu hút gần 180 học viên tham gia.

Các học viên tham gia lớp tập huấn Chương trình OCOP là lãnh đạo, cán bộ được trực tiếp giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình OCOP của huyện, xã, bản. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh đến từ các huyện: Mường La, Thuận Châu, Sốp Cộp, Phù Yên, Bắc Yên.

Sơn La: Tập huấn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - Ảnh 2.

Các học viên tham gia lớp tập huấn.

Trong thời gian 3 ngày tập huấn Chương trình OCOP, các giảng viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ (Hà Nội) sẽ trực tiếp truyền đạt cho học viên 5 nội dung với các chuyên đề: Các khái niệm cơ bản trong Chương trình OCOP; mục tiêu và nội dung cơ bản của Chương trình OCOP; hệ thống tổ chức và nhân sự Chương trình OCOP; bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP; các vấn đề tồn tại, xu hướng phát triển trong phát triển kinh tế nông thôn và giải pháp.

Sơn La: Tập huấn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - Ảnh 3.

Đợt tập huấn lần 2 chia làm 3 lớp: Huyện Mường La 1 lớp; huyện Thuận Châu, Sốp Cộp 1 lớp; huyện Phù Yên, Bắc Yên 1 lớp.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn Chương trình OCOP, ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La, chia sẻ: Trong thời gian qua, hệ thống làm sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La đã có rất nhiều cố gắng nỗ lực. Tuy nhiên, so với một số tỉnh khác, các sản phẩm được xếp hạng OCOP của Sơn La còn ít. Năm 2019, sau quá trình đi học tập cách thức làm OCOP ở một số tỉnh có thế mạnh về sản phẩm OCOP,  tỉnh Sơn La đã quyết định công nhận được 28 sản phẩm OCOP. Trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao.

Sơn La: Tập huấn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La yêu cầu các học viên tập trung nghiên cứu thật sâu, tiếp thu đầy đủ kiến thức từ các giảng viên. Sau khi tập huấn xong, các học viên phải nắm được kiến thức cơ bản về Chương trình OCOP. Sau đó về trực tiếp triển khai ở cơ sở để đăng ký làm sản phẩm OCOP, những sản phẩm đã xếp hạng OCOP thì tiếp tục nâng cao giá trị.

"Các học viên tham dự lớp tập huấn này đều là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, lãnh đạo UBND các xã, vì vậy tôi đề nghị các học viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm cao trong học tập. Tập trung nghiên cứu nội dung cốt lõi của sản phẩm OCOP. Bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, phân hạng sản phẩm OCOP như thế nào?

Sau đó, các học viên tập trung thảo luận những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Từ đó nêu ra hướng đi, sáng kiến tốt nhất để Văn phòng Điều phối tổng hợp và đề xuất Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh nghiên cứu, bổ sung vào việc thực hiện Chương trình OCOP nhằm tạo ra một hướng đi mới, bước đột phá mới cho xây dựng sản phẩm OCOP của Sơn La", ông Công nhấn mạnh.

Sơn La: Tập huấn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - Ảnh 5.

Giảng viên giảng dạy lớp tập huấn Chương trình OCOP đến từ Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ (Hà Nội).

Sơn La: Tập huấn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - Ảnh 6.

Học viên tích cực trao đổi, thảo luận với giảng viên các kiến thức liên quan đến Chương trình OCOP.

Sơn La: Tập huấn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - Ảnh 7.

Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La đã từng bước xây dựng được thương hiệu trên thị trường và được nhiều khách hàng tin dùng, lựa chọn.

Đến nay, tỉnh Sơn La có 28 sản phẩm của 18 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ sản xuất đã được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá xếp hạng OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 9 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong 2 năm 2019-2020 tỉnh Sơn La đã bố trí, hỗ trợ 20 tỷ đồng triển khai chương trình OCOP. Mục tiêu hết năm 2020 toàn tỉnh có trên 50 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên và đề nghị Trung ương công nhận 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu OCOP Sơn La, tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

 

Tuệ Linh