Tại điểm cầu Sơn La, ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ưởng Đảng, Bí thư tỉnh ủy Sơn La chủ trì và các lãnh đạo sở, ban, ngành khác tới dự. Qua khảo sát của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, hiện nay trên toàn tỉnh có 215.926 học sinh chưa đủ điều kiện học trực tuyến. Trong đó, 197.525 học sinh đang cần hỗ trợ thiết bị học tập, rất nhiều học sinh đang gặp khó khăn do thiếu các thiết bị, đường truyền để học trực tuyến. Nhiều nhất ở bậc tiểu học với tổng số gần 115.000 em, THCS là hơn 69.000 học sinh và THPT là trên 11.000 em.
Theo tính toán của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, nếu triển khai cho học sinh đồng loạt học qua truyền hình thì sẽ có khoảng 70.000 học sinh sẽ không thể tiếp cận được, vì 1 số hộ gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa không có ti vi. Bên cạnh đó, trên 111.000 gia đình dù có ti vi nhưng không bắt được sóng truyền hình Sơn La, bởi các hộ đó sinh sống rải rác ở khu vực núi cao, biên giới xa xôi.
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục tỉnh Sơn La vẫn tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm: "Học sinh dừng đến trường, nhưng không dừng học".
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, đã xây dựng phương án sẵn sàng dạy học trực tuyến trên truyền hình, giao bài trực tiếp. Kết hợp tăng cường hướng dẫn học sinh tự học trong trường hợp phải thực hiện cách ly xã hội, học sinh không thể trực tiếp đến trường.
Được biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn (yêu cầu) tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện đang phát hình Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1). Đối với các lớp còn lại (3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12), Bộ GDĐT lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng.
Nội dung hỗ trợ của chương trình “sóng và máy tính cho em” gồm:
- Hỗ trợ sóng Internet: Miễn 100% cước phí khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến (sẽ được Bộ TTTT công bố); Hỗ trợ máy chủ cho trường đại học nếu như dùng các phần mềm dạy học trực tuyến theo công bố của Bộ TTTT; Giá các gói dịch vụ không đổi, nhưng dung lượng Internet được tăng gấp đôi; Các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai nâng cao dung lượng băng thông Internet ở các thành phố lớn.
- Máy tính cho học sinh: dự kiến tại Lễ phát động có thể sẽ huy động được gần 1 triệu máy tính bảng cho học sinh.
- Miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến (sẽ được Bộ TTTT công bố).