dd/mm/yyyy

Sớm có chương trình quốc gia phát triển cây "tiền tỷ" sâm Ngọc Linh

Quảng Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành trung tâm cung ứng sâm Ngọc Linh trên toàn quốc; sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh, sâm nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ sâm.

Vừa qua, tại TP.Tam Kỳ, Quảng Nam, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng năm 2045, trong đó có đề cập đến phát triển sâm Ngọc Linh.

Phát triển được 6.000ha sâm Ngọc Linh

Theo tài liệu nghiên cứu, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv thuộc họ nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ.

Sớm có chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh   - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thăm trung tâm nghiên cứu sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô ở Quảng Nam. Ảnh: CTV

"Muốn phát triển thương hiệu sâm Việt Nam, các địa phương cần phải bám sát yêu cầu là thương hiệu quốc gia có giá trị; phát huy có giá trị vượt trội, ưu việt; tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ, kinh nghiệm tham gia trồng, chế biến sâm…".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh

Không những thế, sâm Ngọc Linh còn được xem là loài cây "quốc bảo" của Việt Nam. 

Nhờ vào giá trị thực sự và quý hiếm nên sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, hiện mỗi kg củ sâm Ngọc Linh có giá dao động từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, riêng mỗi kg lá sâm tươi được bán giá hơn 10 triệu đồng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Sâm Việt Nam là loại dược liệu quý, hiếm với những công dụng đặc biệt mà ít loài cây dược liệu có được. 

Hiện nay, một số địa phương đã trồng, phát triển sâm, trong đó sâm Ngọc Linh được trồng chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với hơn 6.000ha. Một số địa phương đã tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ trong nước.

Hoạt động gây trồng, phát triển sâm bước đầu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; đồng thời cải thiện hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ, chế biến sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như thiếu quy hoạch phát triển nguồn nhiên liệu, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng; thiếu cơ sở chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế…

Quảng Nam sẽ là trung tâm cung ứng sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư... Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường...

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với Quảng Nam, sau khi đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương và cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. 

Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp sản xuất. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh được xác định là 15.567ha.

Đặc biệt, đến nay đã có 20 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh với diện tích trên 1.600ha.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chưa có chương trình, định hướng cụ thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Do vậy, việc đề xuất xây dựng "Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) tại Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến 2045" là rất cần thiết.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: "Cần phát triển cây sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp sản xuất đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia và đưa ngành sản xuất và chế biến sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 

Quảng Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành trung tâm cung ứng sâm Ngọc Linh trên toàn quốc; sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh, sâm nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ sâm góp phần đưa nước Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang với Hàn Quốc…".

Cũng tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đề xuất các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sớm ban hành chương trình phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời có những cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm núi Ngọc Linh; hỗ trợ xây dựng Bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch... phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho sâm Ngọc Linh tiếp cận với thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đối với việc phát triển và đầu tư trong lĩnh vực sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại dược liệu khác nói chung.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển sâm Ngọc Linh cho biết: "Nguồn gen giống gốc sâm Ngọc Linh bản địa cần phải được bảo tồn để không bị lai tạp, bên cạnh đó cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh, khuyến khích và đầu tư nguồn lực để cho việc ra đời những siêu phẩm chiết xuất, chế biến từ sâm Ngọc Linh có giá trị và công dụng vượt trội. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào chiến biến sâm… Đồng thời, trước khi mở rộng vùng trồng cây sâm Ngọc Linh cần phải xây dựng hồ sơ lý lịch tư pháp và sinh học đặc biệt được số hóa và mã hóa cho loại cây này". 


Trương Hồng