Thứ Năm, ngày 16/01/2025 05:37 PM (GMT+7)

Sản phẩm OCOP Tủa Chùa, nâng tầm đặc sản vùng cao

2024-12-08 18:54:10

Những năm qua, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã tạo ra động lực lớn trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn, phát huy thế mạnh đặc trưng của từng địa phương. Các sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định thương hiệu mà còn góp phần cải thiện đời sống người dân.

Tủa Chùa vươn xa với thương hiệu OCOP

Huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) nổi bật với các sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ đặc trưng như chè cổ thụ Shan Tuyết, mật ong hoa rừng, khoai sọ tím, thảo dược bản địa, và các sản phẩm chế biến từ ngô, gạo. Đặc biệt, chè Shan Tuyết cổ thụ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, là biểu tượng cho sự trường tồn và chất lượng cao cấp.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: "Chương trình OCOP đã mang lại bước chuyển mình tích cực cho kinh tế nông thôn của Tủa Chùa. Thông qua việc tập trung vào các sản phẩm đặc trưng như chè cây cao, khoai sọ tím, và mật ong hoa rừng, thịt chua…. chúng tôi không chỉ phát triển kinh tế mà còn nâng cao giá trị bản sắc văn hóa, gắn kết cộng đồng. Các sản phẩm này đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ canh tác truyền thống sang hướng hàng hóa có giá trị gia tăng cao".

Sản phẩm OCOP Tủa Chùa, nâng tầm đặc sản vùng cao - Ảnh 1.

Sản phẩm mật ong lên men Tân Thái Dương của huyện Tủa Chùa, đạt sản phẩm OCOP 3 sao, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh VInh Duy.

Theo ông Nguyễn Minh Tuân thì Tủa Chùa nổi tiếng với các sản phẩm OCOP như : Chè cây cao được đánh giá cao nhờ chất lượng vượt trội và quy trình sản xuất hữu cơ, chè cây cao không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Khoai sọ tím sản phẩm OCOP 3 sao, là đặc sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ nông dân. Mật ong lên men Tân Thái Dương không chỉ giữ nguyên hương vị thiên nhiên mà còn được nâng cấp về bao bì và tiêu chuẩn chất lượng.

Nằm trên cao vùng núi cao các xã Sín Chài, Tả Phìn… những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mọc tự nhiên trên vùng núi cao của Tủa Chùa, được chăm sóc theo phương pháp truyền thống. Chè không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn đại diện cho văn hóa gắn bó với thiên nhiên của đồng bào địa phương.

Chè Shan Tuyết cổ thụ Tủa Chùa được khai thác từ những cây chè hàng trăm năm tuổi mọc tự nhiên trên độ cao từ 1.400 - 1.800m so với mực nước biển. Đặc trưng nổi bật của chè là lớp phấn trắng như tuyết phủ trên búp, vị chát dịu, hậu ngọt sâu và hương thơm tự nhiên.

Các cây chè này không chịu tác động của hóa chất, hoàn toàn sinh trưởng tự nhiên trong khí hậu mát mẻ, đất đai giàu dinh dưỡng. Mỗi cây chè như một chứng nhân lịch sử, lưu giữ câu chuyện về mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên qua bao thế hệ.

Sản phẩm OCOP Tủa Chùa, nâng tầm đặc sản vùng cao - Ảnh 2.

Các sản phẩm chè cây cao của Công ty TNHH Hương Linh (Tủa Chùa) được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh Vinh Duy.

Chè Shan Tuyết Tủa Chùa không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần bảo tồn văn hóa bản địa. Đồng bào dân tộc, chủ yếu là người Mông và Dao, coi chè cổ thụ như "báu vật" của rừng, vừa gìn giữ truyền thống canh tác, vừa bảo vệ môi trường. Hiện nay, chè Shan Tuyết Tủa Chùa đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đây là động lực để huyện tập trung đầu tư, phát triển sản phẩm hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Điểm đặc biệt của chè cổ thụ Tủa Chùa nằm ở quy trình sản xuất thủ công, từ hái chè, sao chè đến bảo quản. Người dân địa phương sử dụng tay để hái những búp chè non, chọn lọc kỹ càng để đảm bảo chất lượng. Công đoạn sao chè được thực hiện trên chảo gang truyền thống, duy trì nhiệt độ ổn định để giữ hương vị đặc trưng.

Toàn bộ quy trình đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí sạch và an toàn, không sử dụng hóa chất hay chất bảo quản. Điều này giúp sản phẩm giữ được sự nguyên bản, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cao cấp.

Hành trình đưa đặc sản đến với mọi miền đất nước

Khoai sọ tím Tủa Chùa không chỉ là một loại nông sản quen thuộc trong đời sống người dân huyện miền núi này, mà còn đang vươn mình trở thành một sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Điện Biên. Với hương vị đặc trưng, giàu dinh dưỡng và giá trị văn hóa, khoai sọ tím đã khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân địa phương.

Sản phẩm OCOP Tủa Chùa, nâng tầm đặc sản vùng cao - Ảnh 3.

Với giá bán trung bình từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, khoai sọ tím mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống cho người dân. Ảnh VInh Duy.

Khoai sọ tím được trồng trên các triền đồi cao tại Tủa Chùa, nơi có đất đỏ pha sét giàu dinh dưỡng và khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm. Điều kiện tự nhiên này giúp củ khoai phát triển tốt, đạt chất lượng cao với lớp vỏ tím sậm, ruột mịn màng và vị bùi béo đặc trưng.

Khoai sọ tím Tủa Chùa không chỉ có vị thơm ngon, ngọt dịu mà còn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất Đây là thực phẩm bổ dưỡng, phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch. Khoai sọ tím không chỉ là sản phẩm kinh tế mà còn gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của người dân Tủa Chùa. Đây là nguyên liệu chính trong nhiều món ăn truyền thống như khoai nấu canh xương, khoai hấp lá chuối, bánh dày khoai sọ. Với giá bán trung bình từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, khoai sọ tím mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống cho người dân.

Với những thành công trong xây dựng chương trình OCOP, nhưng Tủa Chùa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện thì hiện nay huyện đang gặp phải những khó khăn như: Về quy mô sản xuất các hộ dân vẫn chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, thiếu liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị sản phẩm. Việc mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi tiếp cận vốn vay còn hạn chế. Nhiều sản phẩm vẫn phụ thuộc vào thị trường nội địa, chưa có kế hoạch tiếp cận thị trường quốc tế một cách bài bản….

Sản phẩm OCOP Tủa Chùa, nâng tầm đặc sản vùng cao - Ảnh 4.

Khoai sọ tím Tủa Chùa không chỉ là một loại nông sản quen thuộc trong đời sống người dân huyện miền núi này, mà còn đang vươn mình trở thành một sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Điện Biên. Ảnh Vinh Duy.

Để sản phẩm OCOP thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân lãnh đạo huyện Tủa Chùa xác định: Tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn để người dân và HTX nắm rõ hơn về tiêu chí OCOP, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý chất lượng. Tăng cường liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất ổn định, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Huyện đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, giúp du khách trải nghiệm quá trình sản xuất và thưởng thức sản phẩm tại chỗ. Đây là cách quảng bá hiệu quả cho sản phẩm OCOP, đồng thời thúc đẩy kinh tế dịch vụ.

"Chúng tôi cam kết luôn đồng hành cùng người dân và các HTX trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Đây không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thiên nhiên của Tủa Chùa. Chúng tôi tin rằng, với sự đoàn kết và sáng tạo, các sản phẩm OCOP của huyện sẽ ngày càng khẳng định vị thế và giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo" ông Nguyễn Minh Tuân chia sẻ thêm.

Vinh Duy
Người đứng đầu Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu về làm Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM

Người đứng đầu Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu về làm Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM

Trước khi được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, ông Nguyễn Nam Bình đã có 27 năm gắn bó với ngành thuế TP.HCM, và giữ chức Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM từ năm 2015 – 2021.