dd/mm/yyyy

Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong xuất khẩu nông sản: Chuyện cũ nói mãi không thừa

Hiện nay việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn

Các thị trường xuất khẩu nâng cao tiêu chuẩn

Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Đồng thời, hầu hết thị trường xuất khẩu nông sản đều nâng cao tiêu chuẩn, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong xuất khẩu nông sản: Chuyện cũ nói mãi không thừa - Ảnh 1.

Người nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh trên địa bàn xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu.


Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm được các quốc gia thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe, cuộc sống của  con người, động vật, thực vật tránh ảnh hưởng và lây lan qua thương mại quốc tế.

Trong số các thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam, hiện Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quy định an toàn thực phẩm, tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.

Với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này rất cao. Hàn Quốc cũng là một thị trường khó tính với quy định cụ thể về dư lượng, loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Trong khi đó, để xuất khẩu thuỷ sản vào EU, doanh nghiệp đăng ký danh sách với cơ quan có thẩm quyền (NAFIQAD) để kiểm tra và phê duyệt vào danh sách được phép xuất khẩu; đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của khu vực này.

Yêu cầu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Về vấn đề yêu cầu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được nhiều quốc gia áp dụng trong nhập khẩu nông sản, bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, hiện nhiều thị trường đã yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ, cấp mã số định kỳ.

Các vùng trồng và cơ sở đóng gói cần đảm bảo việc tuân thủ yêu cầu của từng quốc gia, thị trường. Vùng trồng và cơ sở đóng gói đăng ký trên tinh thần tự nguyện, sau đó sẽ được kiểm tra, đánh giá định kỳ và phải được công nhận bởi các nước nhập khẩu, giám sát bởi cơ quan quản lý.

Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong xuất khẩu nông sản: Chuyện cũ nói mãi không thừa - Ảnh 2.

Nhiều thị trường đã yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và cấp mã số định kỳ. Ảnh minh họa.

Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số sẽ bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.

Hiện nay, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê… Đặc biệt, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

Để việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu.

Cục Bảo vệ Thực vật hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát lại hiện trạng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và việc sử dụng mã số tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng mã số vùng trồng đã cấp. Đồng thời, chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Tại địa phương, cần phân công cụ thể cán bộ và cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số. Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng.

Đối với doanh nghiệp, cần chủ động các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để cùng phối hợp xử lý. Thông tin thường xuyên với cơ quan quản lý về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình. Cũng theo Cục Bảo vệ Thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.



Thanh Tùng