dd/mm/yyyy

Ngăn chặn việc dùng nhầm mã số vùng trồng, đóng gói lẫn...

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vải năm trước, đã từng có những lô hàng giả đóng gói mã số vải của huyện Lục Ngạn để xuất sang Trung Quốc, qua cửa khẩu ở Lạng Sơn.

Từ thực tế này, đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ MSVT, cơ sở đóng gói được cấp phép và thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc nông sản để đảm bảo uy tín, chất lượng vải thiều của Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung.

Nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản địa phương, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành làm thủ tục cấp chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Tháng 3/202, vải thiều Bắc Giang đã được Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản bảo hộ và cấp bằng chỉ dẫn địa lý.

Tại tỉnh Bình Thuận, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết tỉnh đã và đang siết chặt việc sử dụng mã số cơ sở đóng gói, mã vùng trồng thanh long đã được cấp để phục vụ xuất khẩu, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

gop/ Ngăn chặn việc dùng nhầm, đóng gói lẫn... - Ảnh 1.

Phân loại thanh long trước khi đóng gói tại Doanh nghiệp tư nhân rau quả Bình Thuận. Ảnh: Ðình Châu

Theo ông Tấn, thời gian qua, Sở NNPTNT và Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Cục BVTV cấp 78 MSVT và 268 mã số cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đã đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, bền vững hơn.

Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 33.750ha thanh long, với tổng sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của thanh long Bình Thuận.

Theo Cục BVTV, thời gian qua đã phát hiện nhiều lô quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc do bị nhiễm các loài sinh vật gây hại. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, hiện việc sử dụng mã số cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp cho một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chưa tuân thủ đúng quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói theo quy định. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và xuất khẩu trái thanh long.

Để việc sản xuất và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh được bền vững, Sở NNPTNT Bình Thuận đã yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV khẩn trương làm việc với một số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh để làm rõ việc sử dụng mã số của cơ sở đóng gói để xuất khẩu không đúng với tên cơ sở đóng gói mà doanh nghiệp đã đăng ký.

Bên cạnh đó, chấn chỉnh tình trạng các cơ sở đóng gói chưa được cấp mã số nhưng sử dụng mã số của cơ sở đóng gói khác đã được cấp để đóng gói thanh long xuất khẩu; hay việc sử dụng mã số của cơ sở đóng gói không đúng với tên cơ sở đăng ký cấp mã số và việc ghi nhãn hàng hóa để xử lý theo quy định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, qua kiểm tra, giám sát các MSVT, mã số cơ sở đóng gói trên các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, hiện vẫn còn một số ít cơ sở thu mua, hộ sản xuất để lẫn lộn giữa sản phẩm đã được cấp mã số vùng trồng với bên ngoài vùng sản xuất được cấp mã số, gây khó khăn cho công tác kiểm tra chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc. Một số cơ sở đóng gói xuất khẩu sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp, nhưng thực tế không có hoạt động thu mua tại vùng trồng đã cấp.

Theo ông Mẫn, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Tiền Giang, sẽ tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn trái đã được cấp MSVT phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trái cây xuất khẩu và các hộ sản xuất trong vùng trồng được cấp mã số về việc tuân thủ các biện pháp quản lý dịch hại, bao trái, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.


Bình Minh