Trong báo cáo mới nhất có tựa đề "Ngũ cốc: Thị trường và thương mại thế giới", Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính, nhập khẩu gạo của Philippines sẽ đạt 4,7 triệu tấn trong năm 2024, tăng 2,2% từ ước tính trước đó là 4,6 triệu tấn, trong đó quốc gia Đông Nam Á này sẽ "mua mạnh gạo Việt Nam".
Gạo nhập khẩu của Philippines dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 4,9 triệu tấn trong năm 2025 do "năng suất giảm" ở các trang trại địa phương. Dự báo mới nhất của USDA phù hợp với các ước tính cho rằng nhập khẩu gạo toàn cầu trong năm nay sẽ tăng, do nhu cầu tăng từ Malaysia và Nepal.
Báo cáo dự đoán về một sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động nhập khẩu toàn cầu vào năm sau, được hỗ trợ bởi xu hướng nhu cầu cao hơn từ một số thị trường như châu Phi và châu Á, mặc dù sự trở lại thị trường của Ấn Độ dự kiến sẽ thúc đẩy nguồn cung toàn cầu và khiến giá gạo giảm.
"Sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ được cải thiện dựa trên sự tái tham gia thị trường của Ấn Độ, bù đắp cho sự sụt giảm tại Philippines", báo cáo ước tính. Theo USDA, sản lượng gạo của Philippines sẽ đạt 12,7 triệu tấn trong năm 2024 trước khi giảm xuống còn 12,3 triệu tấn vào năm sau.
Một báo cáo trước đó của USDA dự báo sản lượng gạo của Philippines giảm do thiệt hại về mùa màng từ các cơn bão liên tiếp và diện tích thu hoạch bị thu hẹp do chuyển đổi đất. Theo số liệu của Cục Cây trồng Philippines, tính đến ngày 3/10, gạo nhập khẩu vào Philippines đã lên tới 3,29 triệu tấn.
Tính đến ngày 3/10, Việt Nam là nhà cung cấp gạo hàng đầu (2,61 triệu tấn) cho Philippines, tiếp theo là Thái Lan (416.185,19 tấn) và Pakistan (157.564,48 tấn). Ấn Độ đã xuất khẩu 76.971 tấn ngũ cốc vào Philippines.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá 4,37 tỷ USD (tăng 9,2% về lượng và tăng 23,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023). Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng qua đạt 624 USD/tấn (tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023).
Cho đến hôm nay, dù giá gạo đang trong đà giảm, nhưng các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu gạo của nước ta vẫn ổn định.
Những ngày đầu tháng 10, hoạt động xuất khẩu gạo của nhiều doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Song giá thu mua gạo nguyên liệu có giảm bởi vụ lúa này ngay mùa mưa bão nên hạt gạo không đẹp, độ ẩm cao.
Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, đi kèm giá sàn xuất khẩu 490 USD/tấn, khiến nguồn cung tăng và giá giảm trên toàn cầu. Việt Nam tuy có thị trường và phân khúc sản phẩm riêng, nhưng vẫn chịu những ảnh hưởng nhất định.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì mức giá cao nhờ chuyển dịch sang các dòng gạo thơm dẻo, chất lượng và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 17/10, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 537 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng ở mức 509 USD/tấn và giá gạo xuất khẩu 100% tấm ở mức 439 USD/tấn.
Tại Thái Lan, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đang đứng ở mức 498 USD/tấn; gạo 25% tấm đứng ở mức 480 USD/tấn; gạo 100% tấm đứng ở mức 436 USD/tấn.
Tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng ở mức 488 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 25% tấm ở mức 491 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Pakistan đứng ở mức 481 USD/tấn; gạo 25% tấm đứng ở mức 440 USD/tấn; gạo 100% tấm đứng ở mức 394 USD/tấn.
Giá lúa gạo trong nước hôm nay ngày 17/10/2024 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động với mặt hàng gạo. Giá gạo tăng nhẹ 100 đồng/kg. Giá lúa duy trì ổn định.
Cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, giá lúa hôm nay ghi nhận không có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Cụ thể: IR 50404 giá ở mức 6.800 - 7.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức giá 7.800 - 8.000 đồng/kg, lúa OM 5451 ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 7.500 - 7.800 đồng/kg; OM 380 dao động 7.200 - 7.300 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.
Trên thị trường gạo, ngày 17/10/2024 giá gạo ghi nhận giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 10.300 - 10.600 đồng/kg giảm 100 - 200 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.500 - 12.700 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.900 - 9.600 đồng/kg. Hiện, giá tấm OM 5451 đang ở mức 9.500 - 9.600 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.900 - 6.000 đồng/kg đi ngang so với hôm qua.