dd/mm/yyyy

Phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hoá ở Tam Đường

Huyện Tam Đường (Lai Châu) tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Tam Đường có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Để phát triển đàn gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung, thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu như: thả rông gia súc, chăn nuôi nhỏ lẻ, bán chăn thả…, huyện Tam Đường đã có nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ người dân.

Huyện Tam Đường đã mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc; tổ chức tiêm phòng vaccine định kỳ cho đàn gia súc, phun tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại.

Đồng thời, huyện đã chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nông dân trồng cỏ voi, phục vụ chăn nuôi gia súc; triển khai hỗ trợ làm hầm Bioga đối với các hộ chăn nuôi gia súc quy mô lớn; xây dựng chuồng trại kiên cố.

Lai Châu: Tam Đường phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa - Ảnh 1.

Huyện Tam Đường đang có nhiều giải pháp hỗ trợ giúp người chăn nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu sang chăn nuôi tập trung, theo hướng hàng hóa. (Ảnh: Phạm Hoài)

Hiện nay, huyện Tam Đường có trên 200 hộ chăn nuôi gia súc theo quy mô trang trại, gia trại. Nông dân trên địa bàn huyện tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, theo hướng hàng hóa.

Toàn huyện có tổng đàn gia súc 34.286 con, trong đó 7.136 con trâu, 200 con bò, 26.950 con lợn. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của huyện đạt 5%/năm. Mỗi năm, sản lượng thịt hơi gia súc các loại đạt 1.200 tấn.

Người dân Tam Đường mạnh dạn phát triển chăn nuôi tập trung, theo hướng hàng hóa

Nhờ thay đổi nhận thức trong phát triển chăn nuôi gia súc, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, xây dựng trang trại để thuận lợi cho việc chăm sóc và kiểm soát dịch, bệnh.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, anh Vàng Văn Pầu ở Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) cho biết: "Để phát triển mô hình chăn nuôi gia súc tập trung, theo hướng hàng hóa, tôi đã tham gia các lớp tập huấn nhằm tiếp thu kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh. Thay cho nuôi nhỏ lẻ trước đây, mỗi lứa, tôi nuôi từ 20 - 25 con lợn, trâu thịt. Tôi chủ động trồng ngô, cỏ voi, dự trữ thức ăn tinh bột cho gia súc. Từ đó, cung cấp cho thị trường trâu, lợn thịt bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lai Châu: Tam Đường phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa - Ảnh 2.

Huyện Tam Đường có tổng đàn gia súc 34.286 con, trong đó 7.136 con trâu. (Ảnh: Phạm Hoài)

Được biết, mỗi lứa, anh Pâu chủ động mua từ 2 - 3 con trâu gầy về vỗ béo hơn 3 tháng, bán kiếm lời. Để chủ động thức ăn cho trâu, anh tận dụng toàn bộ diện tích bờ ao, ruộng và khe mương để trồng 0,5ha cỏ voi VA06. Ban ngày, anh chăn thả trâu trên đồi cỏ; tối cho ăn thêm cỏ voi, ngô, gạo và uống nước muối. Đầu tư xây dựng chuồng nuôi nhốt thoáng, hợp vệ sinh. Tháng 5 vừa qua, anh bán 2 con trâu thịt, thu lãi 25 triệu đồng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Vàng A Chu ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) cho biết: Năm 2021, với tổng diện tích trên 300m2, ông đầu tư xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi cách nhà ở dân cư 200m, có bể chứa chất thải chăn nuôi, bảo đảm hợp vệ sinh môi trường. Ông tuân thủ việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi đúng kỹ thuật như: nền đổ bê-tông dày 10 phân, độ dốc hợp lý, khung chuồng chắc chắn, có máng ăn và hố xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ đó, ông phát triển mô hình chăn nuôi gia súc hiệu quả theo hướng hàng hóa, hiện, gia đình ông nuôi 56 con trâu, bò, ngựa sinh sản.

Lai Châu: Tam Đường phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa - Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi của ông Vàng A Chu ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu). (Ảnh: Phạm Hoài)

Thời gian tới, huyện Tam Đường sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi gia súc; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gia súc…Từ đó, thúc đẩy chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Thanh Ngân-Phạm Hoài