dd/mm/yyyy

Lai Châu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững

Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hộ gia đình, tỉnh Lai Châu đang có nhiều giải pháp giúp ngành chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, bền vững…

Lai Châu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn

Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nông thôn tỉnh Lai Châu, cho biết: Hiện nay, thể chế của ngành chăn nuôi cơ bản hoàn thiện, bao gồm: Luật chăn nuôi; các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện (các nghị định, thông tư), tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, phát triển bền vững trong lĩnh vực chăn nuôi. Công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo; với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát, chăn nuôi tập trung, góp phần giúp người dân nâng cao đời sống vật chất, tạo công ăn việc làm, ổn định an ninh trật tự, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Lai Châu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững - Ảnh 1.

Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, tỉnh Lai Châu đang phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tính hết năm 2021, tổng đàn gia súc toàn tỉnh Lai Châu ước đạt 320.100 con, tăng 5%/năm so với kết quả thực hiện năm 2020; trong đó: đàn trâu 92.854 con , đàn bò 22.330 con , đàn lợn 204.916 con . Tổng đàn gia cầm 1.607 nghìn con (tăng 5,6% so với năm 2020). Các loại gia súc khác: đàn dê 36.330 con, đàn ngựa 4.740 con.

Toàn tỉnh hiện có 08 trang trại chăn nuôi, 10 Hợp tác xã (HTX) hoạt động chăn nuôi ; 04 doanh nghiệp chăn nuôi (chủ yếu là chăn nuôi lợn với quy mô 2.000-4.000 con/lứa); khoảng 45.050 hộ chăn nuôi trâu bò, 43.150 hộ chăn nuôi lợn, 90.900 hộ chăn nuôi gia cầm (Trong đó có trên 240 cơ sở, hộ chăn nuôi quy mô từ 15 con trâu, bò, ngựa hoặc 50 con lợn, dê hoặc 500 con gia cầm hoặc 300 con thỏ trở lên).

Lai Châu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững - Ảnh 2.

Phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn đang được tỉnh Lai Châu quan tâm. (Ảnh: Thanh Ngân)

Hiện nay, việc thu hút đầu tư, liên kết phát triển sản xuất chăn nuôi được tỉnh Lai Châu rất quan tâm, cùng với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư và khảo sát địa điểm đầu tư (Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung GĐ 2021-2025; Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1784/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022-2025…).

Đến nay, tỉnh Lai Châu đã có 10 công ty đang thực hiện khảo sát, lập đề xuất phương án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, như : Công ty TNHH Mavin Lai Châu (Tập đoàn Mavin Việt Nam) đề xuất dự án Tổ hợp chăn nuôi trồng trọt và chế biến nông sản tại xã Phúc Than, huyện Than Uyên; Công ty CP tập đoàn TM đầu tư và xây dựng ALANTIC và Công ty cổ phần chăn nuôi Lai Châu cùng đề xuất khảo sát đầu tư dự án chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên; Công ty CP đầu tư công nghệ cao Tây Bắc đề xuất đầu tư dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ…

Lai Châu thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nông thôn tỉnh Lai Châu, nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm góp phần tăng quy mô, giá trị sản xuất, trên địa bàn các huyện, thành phố. Tỉnh Lai Châu đang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Tỉnh cũng ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất; tập trung phát triển HTX, trang trại chuyên sản xuất, cung ứng con giống đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân.

Lai Châu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững - Ảnh 3.

Các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn được tổ chức định kỳ, nhằm nắm bắt và giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Sở Nông nghiệp và PTNT Nông thôn tỉnh Lai Châu thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai các dự án đầu tư, kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án; duy trì và đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp định kỳ, công khai kết quả và theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp. Đồng thời, Sở sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được hoạt động, phát triển tại địa phương" - ông Châu chia sẻ.

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung hiệu quả, bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại công nghiệp, khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Chuyển dần phương thức chăn nuôi đại gia súc từ nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát, chăn nuôi tập trung; kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi các diện tích đất nông nghiệp sử dụng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi nhằm duy trì và phát triển đàn đại gia súc hiện có.

Lai Châu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững - Ảnh 4.

Tỉnh Lai Châu tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại công nghiệp, khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải chăn nuôi như xây dựng hệ thống biogas, sử dụng đệm lót sinh học tạo môi trường chăn nuôi an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Duy trì, chủ động mở rộng phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững, ưu tiên xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao,... liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Trong các năm tiếp theo, tỉnh Lai Châu phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 5%/năm; đến năm 2025 đạt 389.600 con gia súc, trong đó: trâu 96.750 con, bò 20.350 con, lợn 272.500 con; đàn gia cầm 1.850 nghìn con.

Phấn đấu đến năm 2025, có trên 36 cơ sở chăn nuôi trâu bò; 28 cơ sở chăn nuôi lợn; 12 cơ sở chăn nuôi dê; 06 cơ sở chăn nuôi ngựa tập trung; có thêm 760 đàn ong, đưa tổng số đàn ong đạt trên 4.380 đàn với trên 17 cơ sở; 06 cơ sở chăn nuôi thỏ theo hướng tập trung, liên kết sản xuất. Hình thành 02 cơ sở sản xuất con giống gia cầm.

Thanh Ngân-Phạm Hoài