dd/mm/yyyy

Lai Châu: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản phát triển theo hướng bền vững…

Khó khăn trong việc tiêu thụ và phát triển nuôi trồng thủy sản ở Lai Châu

Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 989ha diện tích ao nuôi trồng thủy sản (thể tích nuôi cá nước lạnh 20.087m3, thể tích nuôi cá lồng 148.016m3). Sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 3.330 tấn (trong đó: Sản lượng nuôi cá ao, nuôi cá lồng: 2.850 tấn; sản lượng nuôi cá nước lạnh: 170 tấn; sản lượng khai thác đạt: 280 tấn).

Lai Châu: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững - Ảnh 1.

Năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu đạt 989ha. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nông thôn tỉnh Lai Châu, cho biết: Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình căng thẳng giữa Nga Và Ukraine làm cho việc tiêu thụ thủy sản và sản phẩm thủy sản cũng bị ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là tiêu thụ các loại cá có giá trị kinh tế cao (cá Tầm, cá Hồi, cá Lăng...), tạo ra lượng thủy sản tồn đọng tương đối lớn trên địa bàn tỉnh, năm 2021 có thời điểm sản lượng cá tồn đọng 195,4 tấn.

Nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại nhiều nơi khó khăn, không thuận tiện nên chi phí vận chuyển con giống, thức ăn và tiêu thụ đều cao; điều kiện thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiệt độ thấp, lạnh hơn so với các tỉnh thành khác trong cả nước nên động vật thủy sản thường sinh trưởng và phát triển chậm hơn, thời gian nuôi kéo dài tốn nhiều thức ăn dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn so với các địa phương khác, rất khó để cạnh tranh về giá bán.

Lai Châu: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững - Ảnh 2.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lai Châu lượng thủy sản tồn đọng tương đối lớn, có thời điểm sản lượng cá tồn đọng 195,4 tấn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Dịch bệnh thủy sản vẫn xảy ra rải rác trên các loài cá Chiên, cá Lăng, cá Trắm cỏ, cá Rô phi đơn tính…với tần suất ngày càng tăng, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Trong đó, 3 năm gần đây xảy ra nhiều vụ cá chết do các nguyên dịch bệnh, ngộ độc, các yếu tố môi trường trong nuôi trồng thủy sản không đảm bảo làm chết 10 tấn cá/năm.

Nhiều giải pháp giúp tiêu thụ và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có tiềm năng lợi thế như: có mặt nước lớn tại các hồ thủy điện để phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác thủy sản; khí hậu và nguồn nước mát lạnh tại một số khu vực các khe suối thích hợp để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh.

Lai Châu: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững - Ảnh 3.

Tỉnh Lai Châu có nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển nuôi trồng thủy sản. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nông thôn tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa có nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển nuôi trồng thủy sản chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ là những lực cản trong việc thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nuôi trồng thủy sản và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cùng các sở, ban, ngành, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ và sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, khắc phục tồn tại về thủ tục hành chính, tăng cường hướng dẫn hoạt động sản xuất đảm bảo đúng quy định pháp luật cho các doanh nghiệp.

Lai Châu: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững - Ảnh 4.

Tỉnh Lai Châu có nhiều thủy điện, mặt nước rộng, việc nuôi cá lồng là một lợi thế của địa phương. (Ảnh: Thanh Ngân)

Được biết, thời gian vừa qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở, hộ cá nhân đầu tư vào phát triển nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản như: Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/03/2021; Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/07/2019; Quyết định số 1784/QĐ-UBND ngày 30/12/2021….Tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển hàng hóa tập trung theo phương châm lấy doanh nghiệp, Hợp tác xã là trung tâm, cộng đồng dân cư và các hộ nông dân là chủ thể. Ưu tiên thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp liên kết với Hợp tác xã, với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Lai Châu cũng đã đẩy mạnh thông tin, kết nối tiêu thụ thủy sản và sản phẩm thủy sản, đặc biệt chú trọng đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản có sản lượng cao và các đầu mối cung ứng sản phẩm thủy sản. Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh biết và ủng hộ hoạt động tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Lai Châu: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững - Ảnh 5.

Theo kế hoạch, năm 2022, tỉnh Lai Châu sẽ phát triển thể tích nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện lên 158.000m3. (Ảnh: Thanh Ngân)

Song với đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư để xây dựng cơ sở chế biến thủy sản, sản xuất giống thủy sản để hạ giá thành sản phẩm đầu vào cũng như tăng giá trị sản phẩm thủy sản đầu ra, đồng thời tạo ra sản phẩm có thể bảo quản và tiêu thụ trong thời gian lâu dài, tránh tồn đọng đối với thủy sản đến thời kỳ thu hoạch.

Nâng cao năng lực quan trắc môi trường, giám sát, cảnh báo thiên tai dịch bệnh, đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh trên thủy sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Năm 2022, tỉnh Lai Châu sẽ thực hiện kế hoạch nuôi trồng thủy sản là 983ha. Thể tích nuôi cá nước lạnh 20.087m3, thể tích nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện 158.000m3. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 3.690tấn/năm( Sản lượng nuôi trồng đạt 3.445 tấn, sản lượng khai thác đạt 245 tấn).

Phấn đấu đến năm 2025, nuôi trồng thủy sản đạt 1.005ha. Thể tích nuôi cá nước lạnh 21.000m3, thể tích nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện 179.000m3. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 4.000tấn/năm (Sản lượng nuôi trồng đạt 3.755 tấn, sản lượng khai thác đạt 245 tấn).

Phát triển mở rộng vùng nuôi cá nước lạnh tập trung đến năm 2025 tại các huyện: Tam Đường 06 cơ sở, Phong Thổ 03 cơ sở, theo quy mô hàng hóa tập trung đạt 18.000 m3. Rà soát, phát triển vùng nuôi cá lồng tại các hồ thủy điện, tập trung tại các huyện: Than Uyên 6 cơ sở (xã Mường Mít, Mường Cang, Mường Kim, Ta Gia, Khoen On); Tân Uyên 2 cơ sở (xã Tà Mít), Sìn Hồ 2 cơ sở (xã Nậm Cha, Nậm Mạ); Nậm Nhùn 3 cơ sở (xã Mường Mô); Mường Tè 3 cơ sở (xã Can Hồ) và các vùng lân cận có điều kiện phù hợp, đến năm 2025 tổng thể tích tăng thêm khoảng 45.000m3. Hình thành 01 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 02 cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Thanh Ngân-Phạm Hoài