dd/mm/yyyy

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng bền vững

Tận dụng lợi thế của địa phương, huyện Mai Sơn (Sơn La) tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Clip: Tận dụng tiềm năng, phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng bền vững

Nông dân nâng cao thu nhập từ phát triển cây ăn quả

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu,... những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mai Sơn (Sơn La) đang tích cực vận động các doanh nghiệp, HTX, nông dân đẩy mạnh phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Từ những việc làm cụ thể, đến nay huyện Mai Sơn đã hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, sản phẩm nông nghiệp được nâng cao. Qua đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, góp phần giúp địa phương này thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội.

Chúng tôi về các xã Hát Lót, Chiềng Mung, Cò Nòi. Từ sườn đồi, thung lũng hay những nơi đất bằng, đâu đâu cũng bắt gặp những vườn xoài, nhãn, bưởi, na,… được người dân đầu tư, chăm bón, phát triển tốt, cho sai chíu quả. Đang tất bật chăm sóc vườn xoài, ông Tòng Văn Hỏa, dân tộc Thái ở bản Ngồ Hén, xã Hát Lót, (Mai Sơn, Sơn La) chia sẻ: Trước đây vốn là hộ nghèo trong bản, canh tác nông nghiệp hay chăn nuôi cũng chỉ để phục vụ gia đình. Việc giao thương, buôn bán sản phẩm nông nghiệp gia đình chưa hề biết đến. Vì những lý do đó, gia đình không thể thoát ra khỏi cái đói, cái nghèo.

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng bền vững- Ảnh 1.

Ông Tòng Văn Hỏa, dân tộc Thái ở bản Ngồ Hén, xã Hát Lót, (Mai Sơn, Sơn La) chăm sóc vườn xoài của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Những năm trở lại đây, được cấp ủy, chính quyền địa phương vận động và tuyên truyền, gia đình ông Hỏa đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng xoài, nhãn. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, vườn cây ăn quả của gia đình ông mỗi năm cho thu hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình ông đã thoát được nghèo.

"Mình không chịu khó làm thì mình thiệt thòi thôi, không làm thì không có ăn, nghèo đói lắm. Nhưng được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn cách chăm sóc cây ăn quả, gia đình mình đã học tập và làm theo. Năm nào vườn cây ăn quả cũng cho thu hoạch, bán được tiền. Gia đình mình không sợ đói nghèo nữa, có tiền cho con đi học...". ông Hỏa nói.

Trong những năm qua, huyện Mai Sơn La (Sơn La) đã chuyển đổi được trên 9.000 héc ta diện tích trồng cây ngắn ngày trên đất dốc kém hiệu quả (ngô, lúa nương,...) sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; đến nay, toàn huyện có 11.000 héc ta cây ăn quả, tăng 9.350 héc ta so với năm 2018, chiếm gần 13,1% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Một số cây ăn quả có quy mô diện tích lớn duy trì ổn định: nhãn, xoài, bưởi, mận, sơn tra (trong đó 917 ha được cấp chứng nhận Vietgap; 1.130,7 ha mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu gồm 11 mã xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu; 17 mã xuất khẩu sang Trung Quốc).

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng bền vững- Ảnh 2.

Nông dân Mai Sơn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cây ăn quả, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản ở địa phương. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững

Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, duy trì phát triển được một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm của huyện (cà phê, xoài, nhãn, na...); diện tích ứng dụng công nghệ cao được mở rộng, tạo tiền đề để tăng năng suất, chất lượng nông sản trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng bền vững- Ảnh 3.

Nhờ đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, nông dân Mai Sơn có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Từng bước thực hiện chuyển đổi từ đất trồng ngô, lúa nương, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả cao kinh tế cao kết hợp với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất sử dụng và nâng cao mức thu nhập cho người dân nông thôn.

Mục tiêu của Mai Sơn là xây dựng và hình thành 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch, gồm: Vùng xoài, na, nhãn, cây ăn quả có múi, vùng cà phê và vùng sản xuất rau an toàn. Phòng đã phối hợp với các phòng, ban, các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với người dân, tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc xây dựng, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế và triển khai thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng bền vững- Ảnh 4.

Nông dân Mai Sơn đưa giống cây trồng mới vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Huyện Mai Sơn đang tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; duy trì nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại sản phẩm đã được chứng nhận và tuyên truyền người dân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đối với một số cây trồng chủ lực. Tiếp tục đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hướng đến xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương.

Văn Ngọc