Nuôi tôm càng xanh trong ao đất, ông nông dân xứ Quảng thu nhập hơn nửa tỷ đồng
Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất trên quy mô 01 hécta, với 03 hộ dân tham gia tại xã Bình Dương. Sau thời gian nuôi gần 6 tháng, tôm đạt trọng lượng bình quân gần 30g/con, tổng thu mô hình đạt 522 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tài Mười tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất với diện tích 2.000 m2, thả 40.000 con tôm giống. Đây là lần đầu tiên gia đình ông Mười nuôi tôm càng xanh nên khi được chọn làm cộng tác viên thực hiện mô hình, ông Mười rất băn khoăn bởi ông chưa nắm bắt được các đặc tính sinh học cũng như kỹ thuật nuôi loài tôm này.
Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn giúp đỡ, hỗ trợ cùng với tính cần cù, ham học hỏi nên ông Mười đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật nuôi. Sau gần 6 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng bình quân 30g/con, tỷ lệ sống đạt trên 60%, với giá bán 150.000 đồng/kg, tổng thu từ mô hình đạt 110 triệu đồng.
Theo ông Mười, trước khi thả giống, ao nuôi phải được tháo cạn nước, sên vét bùn, gia cố bờ ao, bón vôi nông nghiệp CaCO3 với lượng 100 kg/1.000 m2 ao. Sử dụng saponine để diệt tạp và diệt khuẩn ao nuôi bằng chlorine, lấy nước vào ao nuôi đến khi đạt độ sâu mực nước từ 1,2 – 1,5m và tiến hành gây màu nước. Nên sử dụng cá tạp nấu chín, trộn với cám gạo theo tỷ lệ 1:1 rồi tạt đều xuống ao nuôi để gây màu nước, tạt liên tục trong 3 ngày, mỗi lần sử dụng 3 – 4 kg hỗn hợp cho 1.000 m3 nước vào thời điểm có nắng. Bón bổ sung vôi dolomite với liều lượng 20 kg/1.000m3 nước. Khi thấy nước ao nuôi có màu xanh nõn chuối hoặc màu của vỏ đậu xanh thì kiểm tra các chỉ tiêu môi trường và tiến hành thả giống.
Chị Nguyễn Thị Hương cho biết, gia đình chị tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất với diện tích 4.000m2, thả 80.000 con tôm giống. Đến nay tôm sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng bình quân của tôm đạt 29g/con, tỷ lệ sống đạt 60%, tổng sản lượng tôm nuôi đạt gần 1,4 tấn, với giá bán 150.000 đồng/kg. Tổng thu nhập từ mô hình đạt gần 209 triệu đồng.
Chị Hương cho biết, “để nuôi thành công giống tôm càng xanh cần phải chú ý công tác phòng bệnh cho tôm, thường xuyên bổ sung vitamin C, vitamin tổng hợp, men tiêu hóa vào thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng của tôm và kích thích tăng trưởng tôm nuôi.
Duy trì ổn định các yếu tố môi trường nước ao nuôi, đặc biệt là màu nước. Không để màu nước ao quá đậm rất dễ bị mất tảo đột ngột, thiếu oxy về đêm, độ pH biến động lớn.... Thức ăn cho tôm phải đảm bảo chất lượng, thường xuyên theo dõi sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp với nhu cầu của tôm, không để dư thừa thức ăn dễ gây ô nhiễm nước ao nuôi”.
Theo các hộ tham gia mô hình, tôm càng xanh có đặc tính ăn thịt lẫn nhau, nhất là khi tôm lột xác, những con tôm khỏe sẽ ăn thịt những con tôm mới lột xác. Để nâng cao tỷ lệ sống của tôm phải thả lá dừa nước xuống ao nuôi nhằm tạo giá thể cho tôm ẩn nấp khi lột xác, giá thể được cắm thành từng cụm trong ao nuôi. Các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, pH nước được các hộ nuôi thường xuyên theo dõi và kiểm tra để có biên pháp xử lý kịp thời.
Để duy trì ổn định pH nước thì định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi với liều lượng 2 – 3 kg/100m2 ao, vôi được hòa tan trong nước rồi mới tạt đều xuống ao nuôi, vì vậy pH nước ao nuôi tôm càng xanh luôn được duy trì trong khoảng 7,5 – 8,5. Ngoài tác dụng duy trì ổn định môi trường nước, vôi còn có tác dụng phòng bệnh cho tôm.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau gần 06 tháng nuôi, tôm càng xanh của các hộ tham gia mô hình đều sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt gần 30g/con, tỷ lệ sống đạt 60%, với giá bán hiện tại 150.000 đồng/kg, tổng thu từ tôm càng xanh đạt 522 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, mô hình cho lãi 170 triệu đồng. Vì tôm càng xanh có kích cỡ càng lớn thì giá bán càng cao, nên các hộ nuôi vừa thu tỉa tôm đạt kích cỡ thương phẩm vừa tiếp tục nuôi để thu được lợi nhuận cao hơn.
Anh Nguyễn Văn Tình, cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình cho biết, qua mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn nhận thấy, tôm càng xanh thích ứng rất tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, mô hình đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, để nuôi tôm càng xanh cho năng suất, sản lượng cao thì người nuôi cần phải nắm rõ các đặc điểm tập tính sinh sống của giống tôm này, phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm bệnh, kích cỡ đồng đều, bơi lội linh hoạt, màu sắc tươi sáng, không nên thả nuôi với mật độ quá dày, sử dụng loại thức ăn và quản lý việc cho ăn phải phù hợp, không quá nhiều, cũng không quá ít. Đặc biệt cần chú trọng đến khâu cải tạo ao nuôi, xử lý nguồn nước…
Thành công của mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn đã góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt của địa phương, mở ra triển vọng phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.