Nông dân là chủ thể phát triển kinh tế vùng Nông thôn Tây Bắc
Với phương châm hướng về cơ sở, hỗ trợ nguồn lực cho hội viên hội nông dân vùng Nông thôn Tây Bắc trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã tổ chức tập huấn đến cán bộ, hội viên nông dân theo hướng cầm tay chỉ việc, mạnh dạn đưa các mô hình giống cây, con mới vào thử nghiệm để nhân rộng. Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt chăn nuôi. Đồng thời chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần giảm nghèo và làm giàu bền vững cho các hội viên.
Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết: Chúng tôi luôn xác định lấy nông dân là chủ thể trong phát triển sát xuất, từ đó tổ chức phong trào "nông dân thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng" đến từng chi, tổ hội ở cơ sở. Chú trọng nâng cao nhận thức và áp dụng nhiều mô hình vật nuôi, trồng trọt mang lại thu nhập cao cho hội viên. Cùng với đó, chúng tôi cũng tích cực vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng địa phương. Tập trung tuyên truyền các hình thức phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, vận động nông dân tham gia phát triển sản xuất theo mô hình HTX, tổ hợp tác, tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp.
Hàng năm các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức hàng trăm lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác Hội. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình còn tuyên truyền cho hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Hội tổ chức quảng bá những mô hình, cách làm sáng tạo để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tính từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh mở hàng chục lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng trăm hội viên nông dân. Đồng thời, kết hợp xây dựng nhiều mô hình điểm về các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, thực hành trong trồng trọt, chăn nuôi.
Theo ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, Hội thường tập trung vào các nội dung mà nông dân cần như: Kỹ thuật sử dụng phân bón, kỹ thuật sử dụng thức ăn chăn nuôi, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…, kỹ thuật canh tác và nuôi trồng cây, con giống mới. Các lớp tập huấn được tiếp cận với những kiến thức rất bổ ích đối với hội viên. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp hội viên biết cách lựa chọn, sử dụng hiệu quả các loại vật tư đầu vào, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi mang lại thu nhập cao.
Để giúp các hội viên tăng nguồn thu nhập ổn định và làm giàu, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã xây dựng và giao chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của từng cơ sở Hội. Từ những việc làm củ thể đó, đã tạo điều kiện nâng cao đời sống của nông dân, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh đều giảm theo từng năm. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân tỉnh và tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của hội viên nông dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sức mạnh đoàn kết. Qua đó đã xây dựng được nhiều mô hình cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, ngày càng giúp nhiều nông hộ thoát nghèo và làm giàu tại địa phương.
Linh hoạt các chính sách hỗ trợ ở vùng Nông thôn Tây Bắc
Ông Nguyễn Thành Như, thôn Chợ Đập ( xã An Bình, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình cho biết: "Được sự quan tâm của Hội Nông dân, tôi được tham gia vào các lớp tập huấn chăn nuôi. Sau đó, tôi mua gà giống Lạc Thuỷ về nuôi để phát triển kinh tế. Sau 1 thời gian nuôi, đàn gà của gia đình tôiluôn phát triển khoẻ mạnh, thấy hiệu quả tôi tiếp tục nhân rộng số đàn lên hơn 10.000 con. Sau khi trừ chi phí và nhân công lao động, mỗi năm tôi lãi hơn 300 triệu đồng. Gia đình tôi có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự đỡ của Hội Nông dân các cấp".
Nhìn chung các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, đã được Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình triển khai đến các hội viên nông dân 1 cách đồng bộ và hiệu quả như: Hỗ trợ về vốn, xây dựng các mô hình kinh tế, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... Trong công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung tuyên truyền các nội dung chủ đạo như: Kỹ thuật ủ phân vi sinh và kỹ thuật cải tạo vườn tạp; phòng chống đói rét kết hợp vệ sinh chuồng trại cho gia súc, gia cầm… Các chương trình, dự án vốn vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, tỉnh được Hội triển khai thực hiện linh hoạt, góp phần tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.