Về huyện Quỳnh Nhai trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự "thay da, đổi thịt" của nông thôn mới nơi đây. Những con đường đất lầy lội, gồ ghề trước kia giờ đây đã được bê tông trải rộng, sạch sẽ. Dọc tuyến đường liên bản, liên xã là những ngôi nhà tầng san sát; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa của người dân.
Điều đó minh chứng cho sự đồng lòng, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Quỳnh Nhai trong XDNTM. Ông Hoàng Tiến Cường - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: Huyện xác định XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, tạo sự đổi thay căn bản ở khu vực nông thôn theo hướng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại. Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước trong xây dựng nông thôn mới, bởi khi hạ tầng giao thông được đồng bộ hóa sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai các tiêu chí còn lại.
Theo đó, Đảng bộ, UBND huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn. Nhờ vậy, hàng loạt các công trình phúc lợi được huyện giao cho các xã trực tiếp tổ chức thi công, giám sát, mang lại hiệu quả cao. Đến nay, chương trình XDNTM trên địa bàn huyện đi theo đúng hướng, đúng lộ trình kế hoạch đề ra. Ngoài giao thông, các tiêu chí khác như thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, điện, trường học, y tế… cũng được huyện đầu tư xây dựng.
Có được sự thay đổi tích cực này, trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XDNTM, huyện Quỳnh Nhai đã tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới không phải làm cho ai khác, mà là làm cho quê hương mình đổi thay; gia đình nào cũng khá giả lên, bớt đói nghèo đi, đời sống sung túc hơn. Nhờ vậy, bà con nhân dân đều rất đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, hiến đất, đóng góp ngày công hoặc kinh phí để chung tay cùng Nhà nước thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, vệ sinh môi trường…
Anh Lò Văn Sơn, bản Đồng Tâm (xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai) cho hay: Trước đây, chúng tôi không hiểu nông thôn mới là gì. Khi được xã tuyên truyền, bắt tay vào làm rồi mới biết nông thôn mới chính là những việc làm nâng cao mức sống cho người dân. Một đời gắn bó với mảnh đất này, giờ tôi mới nhận thấy được sự đổi thay rất lớn của quê hương mình, có điện thắp sáng, đường giao thông sạch đẹp, trạm y tế và trường học… đều rất khang trang. Kinh tế của nhiều gia đình trong bản, trong đó có gia đình tôi đang từng bước phát triển ổn định hơn. Từ người già đến trẻ nhỏ, chúng tôi đều rất phấn khởi khi đời sống ngày càng khởi sắc.
Nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai trong suốt hơn 10 năm triển khai XDNTM, diện mạo nông nghiệp, nông thôn mới ngày càng đổi thay rõ rệt. Những con đường nhựa trải dài phẳng phiu nối trung tâm huyện với các xã vùng cao được tu sửa và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con các dân tộc giao thương hàng hóa. Vào buổi tối những ánh điện chiếu sáng khắp con đường và những ngôi nhà cao tầng quanh thị trấn. Người dân ai cũng có nhà cửa khang trang, nước sạch và điện dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Kể từ khi XDNTM, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân luôn nỗ lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Không chỉ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng và các tiêu chí XDNTM, huyện Quỳnh Nhai còn đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 57 danh mục sản phẩm (danh mục sản phẩm và danh mục ý tưởng) tham gia Chương trình như: Các sản phẩm từ cá sông Đà; chanh leo, su su (Chiềng Khay).Sa nhân (Mường Giàng), chuối (Mường Giôn), gạo nếp tan (Chiềng Khoang)... đây đều là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con các dân tộc trên địa bàn.
Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong giai đoạn này là tập trung nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, bởi khi thu nhập được cải thiện, cuộc sống của bà con ổn định sẽ tác động trở lại giúp công cuộc XDNTM ngày càng nâng cao và bền vững hơn. Trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, giúp bà con nhân dân có thu nhập ổn định, như: Nuôi cá lồng, trồng xoài Đài Loan, Sơn Tra, chăn nuôi bò, trâu, dê, nuôi gà ta… đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân có thu nhập ổn định.
Để thay đổi nhận thức và cách làm, nâng cao sản lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện đã tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân. Nhờ đó, giá trị thu nhập trên một diện tích đất nông nghiệp canh tác tại các cơ sở đều tăng lên theo từng năm.
Để chương trình XDNTM trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai ngày càng khởi sắc hơn nữa, Đảng bộ và UBND huyện cần tập trung kiểm tra lại các công trình thiết yếu đang được thi công ở các bản, xã. Đồng thời huyện cũng cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã rà soát và nắm bắt những nguyện vọng chính đáng của người dân, qua đó đề ra các giải pháp hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục sử dụng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng có hiệu quả và đồng bộ, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của cư dân nông thôn như: Giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế... Xây dựng nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, gắn với việc làm ổn định cho bà con dân tộc trên địa bàn huyện trong thời gian tới.