Nông dân Lai Châu thay đổi tư duy sản xuất
Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhớ lại những năm đầu chia tách, thành lập tỉnh, ngành nông nghiệp Lai Châu khi đó phải "đối mặt" với thực trạng, đó là nền sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún. Thói quen sản xuất tự cung, tự cấp đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bà con nông dân trong tỉnh.
Các giống cây trồng được đưa vào sản xuất lúc bấy giờ cũng chỉ là giống địa phương, năng suất thấp. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân chủ yếu là thả rông chứ chưa quan tâm đến việc làm chuồng trại nuôi nhốt. Cây chè được xem là "cứu cánh" trong công cuộc giảm nghèo của một số địa phương của tỉnh Lai Châu như: Thành phố Lai Châu (lúc đó là thị xã Lai Châu), Than Uyên (giờ là Tân Uyên) thì cũng trong tình trạng phát triển chậm chạp. Lúc đó, nhiều hộ dân ở thành phố Lai Châu đã "quay lưng" lại với cây chè.
Nói vậy để thấy được rằng, ngành nông nghiệp Lai Châu trong những năm đầu chia tách, thành lập phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân trong tinh.
Trước thực trạng đó, tỉnh Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với việc ban hành các chính sách, đề án nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình, dự án của Nhà nước như: Chương trình 134, 135, 30a, xây dựng nông thôn mới… được tỉnh Lai Châu chỉ đạo triển khai có hiệu quả. Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu của Chính phủ, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa cây con, giống mới chất lượng cao vào thay thế giống địa phương năng suất thấp.
Không chỉ triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Trung ương, các chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng được các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu quyết liệt triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả cao, được nhân dân các dân tộc trong tỉnh ủng hộ, đón nhận.
Có thể kể đến các Nghị quyết, chính sách, đề án như: Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lai Châu, đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao, Nghị quyết 29, 33 của HĐND tỉnh Lai Châu, đề án phát triển cây quế và gần đây nhất là Nghị quyết 07 cúa HĐND tỉnh Lai Châu về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, giai đoạn 2021 – 2025.
Song hành với việc triển khai các chính sách, đề án của Trung ương, của tỉnh Lai Châu về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, các mô hình khuyến nông, góp phần nâng cao trình độ canh tác cho bà con nông dân trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, không chỉ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nông cụ sản xuất, các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu còn tăng cường công tác dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho người dân. Được tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn, người dân các xã, bản trên địa bàn tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất thâm canh, tăng vụ theo hướng hàng hóa.
"Bức tranh" nông nghiệp Lai Châu ngày càng tươi sáng
Bức tranh nông nghiệp ở các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu cũng nhờ đó mà ngày càng tươi sáng hơn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, tỉnh Lai Châu đặc biệt chú trọng tới đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhiều công trình: Giao thông, thủy lợi... được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất cho người dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Thăng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết: Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Than Uyên đã khẩn trương rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất, trong đó chú trọng tới các cây trồng có thế mạnh trên địa bàn như: Lúa, chè. Huyện Than Uyên cũng đặc biệt quan tâm tới việc khai thác tiềm năng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện. Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất, huyện Than Uyên chỉ đạo các xã tập trung thực hiện. Đến thời điểm này, huyện Than Uyên đã có hơn 1.000ha chè; 1.300ha lúa chất lượng cao. Nhiều diện tích đất trống, đồi trọc trước đây bị bỏ hoang, hay chỉ sản xuất được 1 vụ, đã và đang được người dân trong huyện sản xuất thâm canh, tăng vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều huyện, thành phố khác của tỉnh Lai Châu như: Tân Uyên, thành phố Lai Châu, Phong Thổ... cũng gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp của tỉnh Lai Châu cũng nhờ đó mà có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng hiện đại, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cụ thể như : Sản xuất lúa hàng hóa với quy mô gần 4.000 ha tại các huyện: Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên; vùng thâm canh chuối với diện tích hơn 3.500ha tại Phong Thổ; vùng cây ăn quả có múi và cây ôn đới với diện tích hơn 700ha tại huyện Tam Đường; vùng sản xuất chè chất lượng cao với tổng diện tích gần 10.000ha tại các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường… Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu hàng hóa như: Gạo Séng cù (Than Uyên), gạo Tẻ râu (Phong Thổ), chè (Tam Đường, Tân Uyên).
Với hướng đi đúng, ngành nông nghiệp Lai Châu ngày càng khởi sắc. Từ việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, năng suất, sản lượng, chất lượng các giống cây trồng chủ lực của tỉnh Lai Châu tăng nhanh, kéo theo giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác cũng tăng lên. Đời sống, thu nhập của nông dân tỉnh Lai Châu cũng nhờ đó mà không ngừng cải thiện, nâng cao.