dd/mm/yyyy

Nông dân vùng cao Lào Cai nhân rộng các mô hình kinh tế

Hội Nông dân huyện Bát Xát (Lào Cai) tập trung hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế, giúp nông dân vươn lên làm giàu...
Nông dân vùng cao Lào Cai nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 1.

Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc hàng hóa hiệu quả ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Lào Cai: Tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất

Hội Nông dân huyện Bát Xát hiện có trên 12.500 hội viên tham gia sinh hoạt ở 21 cơ sở hội. Ông Nguyễn Duy Chinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bát Xát (Lào Cai), cho biết: Để giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả Hội Nông dân huyện Bát Xát đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phong trào thi đua của Hội, đoàn kết giúp nhau trong lao động sản xuất, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế của huyện, đưa các loại cây con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi.

Hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị mở lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội Nông dân năm 2022 cho 116 Chủ tịch, phó chủ tịch, chi hội trưởng 21 xã, thị trấn. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức 4 lớp tập huấn cho 342 cán bộ Hội là Chủ tịch, Phó chủ tịch, Chi hội trưởng, Chi tổ hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nội dung tập trung vào bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác cho cán bộ Hội; sản xuất kinh doanh, quản lý đầu tư, chi tiêu cho sản xuất kinh doanh...

Nông dân vùng cao Lào Cai nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 2.

Nông dân xã Mường Vi, huyện Bát Xát (Lào Cai) chăm sóc đàn ngựa của gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lào Cai khai giảng 6 lớp dạy nghề gồm cho 185 học viên tham gia lớp học thêu may thổ cẩm tại 3 thôn Sải Duần, Lò Suối Tủng, Sùng Bang, xã Phìn Ngan và tại xã Sàng Ma Sáo. Nuôi và phòng trị bệnh cho ngựa” tại xã Mường Vi; kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc và kỹ thuật trồng và chế biến chè” tại xã Mường Hum…

Để giúp hội viên nông dân có thêm điều kiện sản xuất, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị giải ngân vốn vay dự án nuôi ngựa sinh sản nguồn của tỉnh tổng số vốn 1 tỷ cho 13 hộ vay vốn tại thôn 3, thôn Sơn Hà, xã Bản Vược. Và dự án nuôi trâu sinh sản xã Trịnh Tường số, với số vốn 800 triệu đồng cho 10 hộ vay.

Qua đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan tỏa rộng khắp đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Những mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mới liên tục được mở rộng có tính thuyết phục cao khích lệ hàng nghìn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Hiện, toàn huyện có gần 1.150 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Nông dân vùng cao Lào Cai nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 3.

Mô hình trồng chuối xuất khẩu của nông dân vùng cao huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Đồng thời, Hội Nông dân Bát Xát đang quản lý 5 dự án, với tổng số vốn gần 3,3 tỷ đồng cho 58 hộ vay. Trong đó, 3 dự án nuôi trâu, ngựa tại xã Mường Vi, Bản Xèo, Trịnh Tường từ nguồn vốn ủy thác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Duy trì hoạt động nhận ủy thác từ phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng NN&PTNT huyện, với 99 tổ TK&VV cho hơn 3.000 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ hơn 261,6 tỷ đồng.

Lào Cai: Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Bên cạnh đó, năm 2022, Hội Nông dân huyện Bát Xát đã thành lập 5 Chi, Tổ hội nghề nghiệp, với gần 100 hội viên nông dân tham gia làm thành viên. Các Tổ, Chi hội gồm: (Chi hội thêu, may thổ cẩm thôn Sim San xã Y Tý, thôn Láo Vàng Chải xã Tòng Sành; Tổ hội nghề nghiệp thôn Tân Quang, Tân Tiến, xã Trịnh Tường; Tổ hội nghề nghiệp nuôi ngựa sinh sản tại xã Bản Vược; Tổ hội thêu may thổ cẩm tại xã Nậm Pung. 

Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện Bát Xát có 66 chi hội và tổ hội nghề nghiệp, với 945 thành viên. Các tổ nghề nghiệp đã phát triển và duy trì tốt thúc đẩy cho các hội viên phát triển kinh tế tạo thu nhập cho hộ gia đình.

Ngoài ra, trong năm 2022, Hội Nông dân huyện Bát đã đăng ký 20 mô hình dân vận khéo, mỗi cơ sở Hội một mô hình. Ra mắt 7 mô hình dân vận khéo, như: Mô hình phát triển cây nông nghiệp tại xã Dền Thàng; mô hình “Sáng - xanh - sạch - đẹp” tại xã A; mô hình “Tuyên truyền vận động nhân dân chăm sóc cây chanh leo tại xã Dền Sáng”; mô hình nuôi trâu sinh sản tại thôn Tân Quang, Tân Tiến xã Trịnh Tường; trồng thanh long; nuôi cá thương phẩm tại thôn Làng Kim xã Quang Kim; mô hình “Tuyên truyền vận động Hội viên và nhân dân trồng và chăm sóc cây lan và địa lan tại thôn Kin Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo.

Nông dân vùng cao Lào Cai nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 4.

Nuôi ngựa theo hướng hàng hóa đang là một trong những hướng đi được bà con nông dân huyện Bát Xát (Lào Cai) lựa chọn để phát triển kinh tế. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Hoàng Văn Luân là một trong những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế ở xã Mường Vi, huyện Bát Xát. Hiện gia đình anh Luân có 23 con ngựa, trung bình mỗi năm anh Luân bán 4 cặp ngựa giống sinh sản, thu về hơn 200 triệu đồng.

Anh Luân chia sẻ: Trước đây gia đình tôi chăn nuôi lợn nhưng phát sinh dịch bệnh nên đàn lợn chết hết. Do vậy, năm 2021, gia đình tôi được Hội Nông dân các cấp hỗ trợ vốn cùng số vốn tiết kiệm của gia đình đầu tư chuồng mua ngựa về nuôi. 

Đồng thời, tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để áp dụng tại gia đình. Nhờ vậy, đàn ngựa luôn sinh trưởng và phát triển tốt đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Có thể thấy rằng bằng việc phát huy vai trò nồng cốt của hội viên nông dân và sự đổi mới thiết thực, cụ thể, các cấp Hội nông dân trên địa bàn huyện Bát Xát đã phát triển sâu rộng các mô hình kinh tế của nông dân đạt hiệu quả. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của hội viên nông dân.

Mùa Xuân