Clip: Anh Giàng A Páo, Trưởng thôn Bản Phố, xã Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai) chia sẻ về những khó khăn ở vùng cao.
Những khó khăn ở xã vùng cao Lào Cai
Rú ga trên chiếc xe gắn máy từ trung tâm huyện Bát Xát vi vu theo con đường tỉnh lộ 156B rồi qua đèo Mường Hum (Bát Xát), mất khoảng 2 tiếng đồng hồ vượt hơn 40km chúng tôi mới đến trung tâm xã Dền Thàng.
Tiếp chúng tôi tại UBND xã Dền Thàng, sau chén trà ấm nồng mời khách, ông Tráng A Chí, Chủ tịch UBND xã Dền Thàng, cho biết: Dền Thàng là một trong những xã khó khăn nhất, nhì của tỉnh Lào Cai. Toàn xã Dền Thàng có diện tích đất tự nhiên hơn 3.550 ha, trong đó, đất nông - lâm nghiệp hơn 2.800 ha, còn lại là đất phi nông, đất chưa sử dụng, đất ở vùng cao này khô cằn chủ yếu là đất dốc nên người dân chỉ trồng ngô, sắn năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, đời sống của người dân nơi đây vẫn còn rất khó khăn.
Hiện, xã Dền Thàng có 6 thôn, bản, với 700 hộ dân, gồm 2 dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm 98 %. Dền Thàng cũng là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Bát Xát, theo rà soát xã còn 64,86% hộ nghèo.
Khó khăn nhất hiện nay vẫn là giao thông đi đến các thôn, bản, khu sản xuất, đây chính là lực cản phát triển kinh tế địa phương. Cùng với đó, việc thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa trên địa bàn cũng rất khó khăn do chưa có chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững với các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Anh Sùng A Hử, thôn Bản Phố, xã Dền Thàng, chia sẻ: Hiện gia đình tôi có 5 nhân khẩu, đất sản xuất cây lương thực ít, ở nhà cũng chỉ chăn nuôi vài con lợn nên gia đình tôi hiện vẫn đang thuộc diện hộ nghèo của thôn, xã. Để có thêm thu nhập cho gia đình, 2 vợ chồng tôi phải đi ra ngoài huyện, tỉnh làm thuê làm mướn thôi, vất vả lắm.
Giải pháp nào để giúp xã vùng cao Lào Cai vươn lên?
Anh Giàng A Páo, Trưởng thôn Bản Phố, xã Dền Thàng tâm sự: Thôn hiện có 86 hộ dân, trong số này có 56 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của xã. Với đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, Ban quản lý thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc. Hiện đàn gia súc của thôn có hơn 600 con.
Theo anh Páo, để từng bước giảm số hộ nghèo trong thôn thì hiện nay bà con mong muốn các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai trong thôn. Đặc biệt là việc hỗ trợ cây, con giống, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để giúp bà con phát triển kinh tế bền vững hơn.
Xã Dền Thàng hiện đang thâm canh hơn 170 ha lúa, sản lượng đạt hơn 8.300 tấn; 180 ha ngô, sản lượng đạt 7.380 tấn; 61,3 ha cây đao giềng, sản lượng đạt 1.409,9 tấn.
Chăn nuôi cũng đang được xã Dền Thàng chú trọng vận động người dân trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Hiện xã có hơn 3.600 con gia súc và gần 16.000 con gia cầm các loại.
Trong năm 2022, xã Dền Thàng đã chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác từ Phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho 542 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ trên 24,1 tỷ đồng.
Ông Tráng A Chí, Chủ tịch UBND xã Dền Thàng nói thêm: Đối với xã vùng cao Dền Thàng để giúp bà con nâng cao thu nhập ngoài tạo điều kiện cho người lao động địa phương đi lao động ở trong và ngoài tỉnh thì việc phát triển du lịch cộng đồng cũng là một trong những giải pháp thiết thực xã hướng đến. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu nguồn vốn nên vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Rời vùng cao Dền Thàng khi tuyến đường tỉnh lộ 156B đã và đang được Nhà nước nâng cấp, sửa chữa cùng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đang được bê tông kiên cố hóa. Tin rằng, đây sẽ là tiền đề tạo thuận lợi cho bà con vùng cao nơi đây có thêm động lực phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và từng bước xóa nghèo.