Thứ Hai, ngày 10/02/2025 06:50 PM (GMT+7)
Nông dân vùng cao có của ăn của để từ giống cây trồng ngoại
2025-02-10 18:50:19
Chuyển từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu tây, nông dân ở một xã của tỉnh Sơn La vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
- Mộc Châu: Tình người ấm áp trong tiết trời dưới 10 độ C
- Tìm cách nâng cao giá trị nông sản, chinh phục thị trường ''khó tính'' bằng chất lượng
- Đầu Xuân hoa mận nở trắng núi rừng cao nguyên Mộc Châu
Mạnh dạn trồng dâu tây
Những ngày Xuân ấm áp, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất Cò Nòi, một trong những xã phát triển mạnh về nông nghiệp của huyện Mai Sơn (Sơn La), đặc biệt là phát triển cây ăn quả.
Đường vào các bản, làng của xã Cò Nòi được đổ bê tông phẳng lì, nhà cửa được xây dựng kiên cố; đời sống của người dân được nâng cao, nhà nào cũng có của ăn, của để, con cái được đến trường, đến lớp. Có được cuộc sống sung túc như ngày hôm nay, một phần là do thay đổi tư duy làm nông nghiệp của cấp ủy chính quyền địa phương, của những người nông dân mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi hình thức canh tác.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/02/10/165416z6304680098413_1a45396aecc8a9e3dbb35833efa70b84-1653.jpg)
Với gia đình ông Lò Văn Thịnh, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) năm nay là năm thứ 3 gia đình ông đưa cây dâu tây vào canh tác. Nhờ trồng dâu tây, gia đình ông có thu nhập ổn định, sửa sang được nhà cửa, mua sắm được đồ đạc phục vụ gia đình.
Vườn dâu tây ông Thịnh nằm cách quốc lộ 6 khoảng hơn 1km, có đường bê tông nội đồng dẫn qua vườn, việc đi lại của gia đình ông khá thuận tiện. Hôm chúng tôi đến nhà ông Thịnh, đúng lúc ông và vợ ông đang thu hái những quả dâu tây chuẩn bị cho thương lái. Vườn dâu tây của gia đình ông Thịnh rộng chừng 5.000m2, với những luống dâu tây thẳng tắp, gốc nào quả cũng sai lúc lỉu và có vài ba quả chín đỏ.
Cầm rổ dâu tây vừa hái đầy ắp, quả nào quả đấy căng bóng, ông Thịnh bảo: “Đây là hàng víp, chuẩn bị gửi xuống Hà Nội cho khách”. Ở trong khung cảnh này, chúng tôi cảm nhận rõ sự vui mừng của ông Thịnh, bởi mùa dâu tây này gia đình ông vừa được mùa vừa được giá.
Vì đã hẹn trước, biết chúng tôi là phóng viên, ông Thịnh cũng không ngại ngùng gì, ngồi bệt xuống bờ ruộng, mời chúng tôi thưởng thức những quả dâu tây mới hái tại vườn. Ông bảo: “Các chú cứ yên tâm sử dụng, đây là hàng sạch”.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/02/10/165519z3998234468361_37e08fe176126987ecf81103431c5179-1655.jpg)
Ông Thịnh chia sẻ: Bản Cò Nòi chúng tôi chủ yếu là người Thái, sinh sống ở mảnh đất này đã được vài đời. Trước đây cuộc sống của gia đình tôi cũng như nhiều người dân trong bản khó khăn đủ thứ, kiếm miếng ăn hàng ngày. Thu nhập chỉ phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn. Trong khi đó canh tác thì không đầu tư phân bón, chăm sóc, cây trồng năng suất thấp, hay bị mất mùa.
Thế nhưng từ khi cấp ủy chính quyền vận động làm kinh tế mới, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao thay đế các loại cây, con kém hiệu quả. Cùng với đó tư duy của người nông dân cũng đã dần thay đổi. Họ có đất đai, họ có sức khỏe, họ không cam chịu trước đói nghèo, quyết tâm vươn lên.
“Ai cũng quyết tâm làm giàu, chúng tôi trồng mía, trồng cây ăn quả, rồi đến trồng cây dâu tây... Mình phải làm thì mới có ăn, mới làm giàu được. Nếu còn ỷ lại thì cái đói cái nghèo vẫn còn theo bám mãi thôi”, ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, từ lúc ông và dân bản đưa cây dâu tây vào trồng ai cũng có thu nhập ổn định hơn, bởi đây là giống cây trồng mới, được mọi người ưa dùng, bán được giá. Từ trồng dâu tây, nhà ít thì kiếm được 100 – 150 triệu/năm, nhà làm nhiều thì kiếm được cả nửa tỷ đồng. Còn đối với nhà ông, chỉ có 2 vợ chồng, mỗi năm gia đình ông cũng thu được khoảng 180 triệu.
Chia sẻ về bí quyết trồng dâu tây cho hiệu quả kinh tế cao, ông Thịnh cho biết: Dâu tây là cây trồng mới, cũng khá khó tính, chăm sóc không tốt là hay bị sâu bệnh hại. Hơn nữa, cây trồng này phải có nước tưới đầy đủ, có như vậy cây mới phát triển và cho ra quả được.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/02/10/165604z6304680124938_2c06002d1ed1a35bb522c8951809f11e-1655.jpg)
Phát triển cây dâu tây bền vững
Ở Cò Nòi, không chỉ gia đình ông Thịnh đưa cây trồng này vào canh tác, mà giống cây trồng này đã được mở rộng khắp vùng, đem lại kinh tế ổn định cho người nông dân. Dọc đường đến khu vực Xuân Quế, những ngày này dâu tây được bày bán tại các sạp hàng, phục vụ nhu cầu du khách qua đây. Thăm hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế, với những khu trồng dâu tây bạt ngàn, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX, cho biết: HTX thành lập từ năm 2017, gồm 18 thành viên, với 50 ha dâu tây.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/02/10/165701z3115847189204_3285ce1aea5b5915ae81de7bc9f76d44-1656.jpg)
Từ năm 2018, toàn bộ diện tích trồng dâu tây của HTX đã trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt 1.000 tấn/năm, các sản phẩm dâu tây đều được tiêu thụ tại các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Âu. Từ đầu vụ đến nay, chúng tôi đã thu hoạch được khoảng 100 tấn cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với giá 250 – 300 nghìn đồng/kg.
Vụ dâu tây năm ngoái, xã
Cò Nòi trồng 360 ha cây dâu tây, sản lượng đạt gần 4.000 tấn, tập trung tại các
bản, tiểu khu: Lếch, Tân Thảo, Bình Minh, Thống Nhất, Nong Quỳnh… Ông Nguyễn
Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, cho biết: Năm nay, diện tích trồng dâu tây
toàn xã tăng 60 ha so với vụ trước, nâng tổng diện tích lên hơn 420 ha.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/02/10/165739z3115848517342_470e10718f5c9d444154755b354be73b-1657.jpg)
Xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyên canh dâu tây gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhất là quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã vùng trồng, tạo sản phẩm an toàn, hướng sản xuất hiệu quả, bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và giới thiệu sản phẩm dâu tây, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trồng dâu tây trên địa bàn được giao lưu, học hỏi, tìm hiểu nâng cao kiến thức trồng, chăm sóc, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ quả dâu tây.
Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dâu tây là hướng đi đúng, không những giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà còn tăng thu nhập trên diện tích canh tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Tags:
Giải pháp nào để một huyện biên giới ở Sơn La hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2030
Đến nay, huyện Yên Châu (Sơn La) có 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 1 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Địa phương này phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Nông dân Thuận Châu nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất vụ Xuân 2025
Nạo vét kênh mương, vệ sinh đồng ruộng là việc làm thường xuyên của nông dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La trước các vụ mùa hằng năm.
Cách nông dân Sơn La làm cho cây cà phê "trẻ" lại, ra quả sai trĩu cành
Những năm qua, thành phố (Sơn La) đã nỗ lực hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo lại diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa, giống cũ năng suất và chất lượng thấp bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao cho hội viên nông dân.