Clip: Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn ở phường Cầu Mây.
Tảo hôn - thực trạng nhói lòng
Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn trên địa bàn các xã, phường của thị xã Sa Pa
Tìm hiểu thực tế tại phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, Ban chỉ đạo Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phường Cầu Mây đã kịp thời nắm bắt thông tin về em Th.A.S, (SN 2008), học sinh lớp 9E Trường THCS Phan Si Păng đang có ý định lập gia đình khi đang ở tuổi cắp sách tới trường.
Chị Vàng Thị Sung (mẹ em S), Tổ 1, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, chia sẻ: Vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã lấy chồng từ rất sớm khi mới ở tuổi 13. Do vậy, tôi nhận thức được những khó khăn vất vả khi lập gia đình sớm. Khi biết con mình cũng muốn lập gia đình sớm tôi đã khuyên con và động viên con không lấy vợ sớm để tiếp tục yên tâm học tập.
Các biện pháp tuyên truyền, vận động về tác hại và hệ lụy của tảo hôn được các Hội, đoàn thể phường Cầu Mây triển khai thực hiện một cách khéo léo, ân cần để người dân hiểu. Tính từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn phường Cầu Mây có 8 trường hợp tảo hôn, với độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng của phong tục tập quán các thế hệ trước để lại như: Quan niệm kết hôn sớm để có lao động làm việc; những người có quan hệ họ hàng kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn khi về ở chung sống với nhau; không phải phân chia tài sản cho người ngoài...
Mặt khác, nhận thức về luật hôn nhân và gia đình của đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhất là đồng bào Mông; chế tài xử phạt chưa được thực hiện nghiêm, còn vướng mắc trong việc thi hành; điều kiện kinh tế của người dân khó khăn, không đủ chi phí cho con đến trường dẫn đến tình trạng bỏ học, thất học.
Bên cạnh đó, các em học xong không tìm được việc làm, không làm đúng nghề đã tạo tâm lý trong một bộ phận thanh, thiếu niên không thích đi học, bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm. Ngoài ra, sự tác động của mặt trái mạng xã hội, lối sống mới… làm ảnh hưởng đến nhận thức của thanh, thiếu niên.
Nỗ lực cải thiện tình trạng tảo hôn
Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền phường Cầu Mây đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào dân tộc Mông xoá bỏ phong tục tập quán lạc hậu, điển hình là chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Một trong những cách làm mới, điển hình hiện nay đó là tổ chức cho người dân ký cam kết với nội dung “Không vi phạm tảo hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình”.
Cô giáo Đào Thị Mai, Trường THCS Phan Si Păng, thị xã Sa Pa cho rằng: Trong những năm gần đây, nhà trường đã quyết liệt tuyên truyền vấn đề nạn tảo hôn tới các em học sinh, nhất là phụ huynh học sinh. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh để khi phát hiện các em có tình trạng tảo hôn, báo cáo lên xã, phường cùng phối tuyên truyền, vận động.
Ông Thào A Chớ, Chủ tịch UBMTTQ phường Cầu Mây, cho biết: Phường đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền tới bà con về tác hại của việc tảo hôn, hệ lụy sau khi sinh con. Các cuộc tuyên truyền được lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ thôn. Nhất là phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, người uy tín trong cộng đồng về tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân.
Công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết là nhiệm vụ còn rất nhiều khó khăn cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân, gia đình, từng bước giảm thiểu và đi đến đẩy lùi nạn tảo hôn trên địa bàn.