dd/mm/yyyy

Nhọc nhằn ngày nắng

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khi nhà nhà rủ nhau đi “chữa lành”, trốn nắng, thì dưới cái nắng nóng như thiêu đốt ở nơi vùng cao Tây Bắc, vẫn có nhiều nông dân đang nhọc nhằn mưu sinh...


Người lao động chủ động thích ứng với nắng nóng. Clip: Thanh Tâm.

Mưu sinh ngày nắng lửa

Phố núi Sơn La những ngày đầu kỳ nghỉ lễ nắng nóng trên dưới 40 độ C. Thời tiết những ngày này nhiệt độ chênh lệch cao giữa sáng và trưa, chiều tới cả chục độ C, không khí hanh khô. Khi mặt trời lên đỉnh đầu, những trận gió Lào thổi vù vù mang theo hơi nóng hầm hập phả vào mặt rát ràn rạt.

Nhọc nhằn ngày nắng- Ảnh 1.

Trong kỳ nghỉ lễ, vẫn có nhiều người nhọc nhằn mưu sinh dưới cái nóng như thiêu như đốt. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Vẫn như thường lệ, từ lúc tờ mờ sáng, chị Lò Thị Dinh trú tại bản Hài, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã trở dậy, đi xe máy vào xã Mường Bú, huyện Mường La, để nhập tôm sông. 9 giờ sáng, xe tôm của chị mới về đến chợ Cầu Trắng, thành phố Sơn La. Trời nắng chang chang, chị Dinh khó nhọc dựng chiếc xe máy cũ, chở theo 2 chiếc sọt lót bạt chứa khá nhiều nước với khoảng chục ký tôm đang bơi tung tăng. 

Chẳng kịp nghỉ ngơi đôi phút, chị Dinh tháo chiếc khăn bịt mặt để lau mồ hôi rồi đon đả mời khách mua tôm. Tay cầm kéo thoăn thoắt cắt râu tôm cho khách, chị Dinh bộc bạch: “Mấy nay trời nắng gắt quá. May hôm nay có mấy quán ăn đặt tôm nên tôi không phải đi bán dạo quanh thành phố nhiều. Thời tiết nắng nóng thế này, tôm dễ bị chết lắm nên tôi phải lấy cành cây che nắng và dùng bình ắc quy để sục thổi khí oxy cho tôm khỏi chết đấy…”

Nhọc nhằn ngày nắng- Ảnh 2.

Trời nắng chang chang, vẫn có nhiều người lao động xuống suối mò cua, bắt cá, tranh thủ kiếm thêm một bữa ăn. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Được biết, nhà chị Dinh có 3 mẹ con, chồng chị mất sớm. Mấy ngày nghỉ lễ, đứa con trai nhỏ đang học lớp 2 được nghỉ ở nhà nhưng chị phải đưa bé sang gửi nhà ông bà ngoại để đi chợ vì nguồn thu chính của gia đình phụ thuộc vào xe tôm của chị.

“Bán cả xe tôm chỉ lãi được khoảng 200 ngàn, hôm qua trời nắng quá, xe máy tôi bị thủng xăm, tôm chết nhiều nên đi từ sáng sớm đến trưa mà chả kiếm được đồng lãi nào, có khi còn lỗ vốn”, chị Dinh bảo.

Vào dịp nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm tăng cao, là cơ hội để những tiểu thương như chị Dinh kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhưng thời tiết gay gắt, dù đã quen với cuộc sống bươn chải nơi phố chợ, nhiều người vẫn không chịu nổi cái nóng rát da thịt những ngày cuối tháng 4. Chị Vũ Thị Mến, tiểu thương bán hoa quả tại chợ 7 tháng 11, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Nắng nóng như thế này, hoa quả nhập về bảo quản không khéo là héo, hỏng hết. Tôi bán hoa quả, cũng phải cắt thử để bày hàng mời khách. Nhưng nóng thế này, mấy tiếng thôi là khô, héo cả, lại phải bỏ”.

Nhọc nhằn ngày nắng- Ảnh 3.

Chị Mến đang bán nước ép dứa cho khách. Những ngày qua, trời nóng, nhu cầu mua nước ép, hoa quả của khách gia tăng, có người mua đến chục chai nước ép ở gian hàng của chị Mến. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Phải di chuyển liên tục trong thời tiết nắng nóng, anh Trần Văn Tý, shipper, trú tại phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La tranh thủ nghỉ ngơi dưới bóng râm bên đường để hồi sức. Uống vội ngụm nước mát, anh Tý tâm sự: “Nghỉ lễ khách đặt đơn nhiều nên công việc của tôi cũng nặng hơn. Trời mấy nay lại nóng quá, tôi phải tranh thủ ship hàng sớm hơn cho đỡ mệt. Hôm qua nóng đến 40 độ, đi về, tôi oải cả người vì say nắng. Nhưng nay vẫn phải đi tiếp, nghề này có nghỉ được đâu. Nghỉ hôm nào là vừa mất tiền, vừa bị chủ mắng, khách mắng…”

Nhọc nhằn ngày nắng- Ảnh 4.

Anh shipper tranh thủ mua chai nước mát trong lúc nghỉ ngơi. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Thích ứng với ngày nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, người lao động cũng chủ động thích ứng với điều kiện thời tiết. Chị Vũ Thị Mến tiểu thương bán hoa quả tại chợ 7 tháng 11, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Những ngày này, tôi dùng khăn dấp nước lạnh để bảo quản hoa quả”. Trời nóng nên người mua nước ép hoa quả nhiều, có người mua đến cả chục chai. Nhân lúc vãn khách, chị Mến tranh thủ ép nước hoa quả ướp đá, chuẩn bị theo đơn hàng khách đặt trước. Gần hai chục năm buôn bán nơi phố chợ, chị Mến bảo: “Mấy năm về trước, trời nắng chang chang, tiểu thương chúng tôi chỉ có cái ô, cái bạt tránh nắng. Cũng may Nhà nước đầu tư xây lại chợ, chúng tôi có mái tôn lạnh, điện đóm đầy đủ, nắng mưa cũng bớt khắc nghiệt hơn.”

Nhọc nhằn ngày nắng- Ảnh 5.

Tiểu thương căng ô, bạt, mặc áo chống nắng để giảm bớt cái nóng rát da những ngày cuối tháng 4. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Tại Quảng trường Tây Bắc, để giữ gìn cảnh quan du lịch, công nhân môi trường hoạt động xuyên kỳ nghỉ lễ. Để đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Sơn La đã trang bị quần áo bảo hộ, điều chỉnh ca giờ làm.

Anh Hoàng Tuấn Cường, Tổ trưởng sản xuất Xí nghiệp Quảng trường Tây Bắc, Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Sơn La cho biết: “Trong thời tiết nắng nóng như này, được sự tạo điều kiện của Ban Giám đốc công ty, chúng tôi được trang bị đầy đủ mũ nón, giày, găng tay bảo hộ. Chúng tôi được tạo điều kiện, một ngày vẫn làm đủ 7- 8 tiếng nhưng thời gian ca làm được du di hơn, anh em tranh thủ làm vào lúc mát. Ví dụ, buổi sáng mình làm từ 6 - 10h, buổi chiều làm từ 14 - 18h. Nếu nắng quá, buổi chiều sẽ chuyển sang làm từ 14h30 - 16h30, để làm sao đảm bảo được nhiệm vụ”.

Nhọc nhằn ngày nắng- Ảnh 6.

Anh Cường cùng đồng nghiệp tranh thủ gia cố lại khung cắm cột cờ ở quảng trường sau ca làm việc. Gió Lào những ngày này thổi mạnh, anh và đồng nghiệp chủ động cố định lại khung cắm cột cờ để gió thổi không bị lật. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Nắng nóng cao độ, lại trong kỳ nghỉ lễ, nhu cầu nước sạch của người dân cũng tăng cao. Những ngày này, Công ty cổ phần Phát triển nước Hải Hà, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La của ông Phạm Văn Hà hoạt động liên tục để phục vụ nhu cầu của khách. Sục nước làm sạch bình, ông Hà bảo: “Mấy nay trời nắng nóng nên làm việc gì cũng vất vả hơn. Ngày nào tôi và công nhân của công ty cũng bê vác, vận chuyển nước, vệ sinh máy lọc nước cả ngày. Để bảo vệ sức khoẻ cho anh em công nhân, tôi đã chuẩn bị sẵn nước, đá, đồ ăn và quạt mát hàng ngày...”.

Nhọc nhằn ngày nắng- Ảnh 7.

Công nhân lao động ngoài trời được trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động, điều chỉnh ca làm để tránh nắng nóng. Ảnh: Thanh Tâm

Theo dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn, tại khu vực Tây Bắc, nắng nóng vẫn sẽ kéo dài đến hết kỳ nghỉ lễ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 34 - 39 độ C, thực tế nhiệt độ ngoài trời lúc cao điểm từ trên 40 độ C. Để phòng tránh các bệnh thường gặp trong thời tiết nắng nóng, các chuyên gia khuyến cáo người có việc hoặc phải lao động ngoài nắng cần mặc quần áo nhẹ và rộng, tìm kiếm môi trường mát để làm, uống nhiều nước, tránh hoạt động vất vả ở nhiệt độ cao. Để hạn chế tình huống sốc nhiệt, người lao động nên hạn chế di chuyển đột ngột từ môi trường nóng sang môi trường lạnh hoặc ngược lại.

Thanh Tâm