Ngày 7/10 vừa qua, Nhật Bản đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận, có thể nói đây là tín hiệu vui cho nông dân trồng thanh long. Bởi "giấy thông hành" này sẽ làm tăng giá trị, mở rộng đường cho thanh long Bình Thuận vào thị trường được coi là khó tính nhất nhì thế giới.
Tín hiệu vui
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thanh long Bình Thuận được Nhật Bản cấp "giấy thông hành" là một tín hiệu rất tốt cho tương lai. Bởi thực tế lâu nay, nông sản vào được thị trường Nhật Bản phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, khắt khe về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nay được "giấy thông hành" khẳng định uy tín, giá trị của trái thanh long Bình Thuận (sau vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận là nông sản thứ 2 của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản) sẽ tăng hơn.
Mục tiêu xuất khẩu thanh long từ 50-60
triệu USD vào 2025
Liên quan đến xuất khẩu thanh long Bình Thuận, ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có ý kiến chỉ đạo Sở Công Thương thường xuyên trao đổi với các sở đồng chức năng ở các tỉnh biên giới phía Bắc để cập nhật tình hình; Phối hợp đơn vị liên quan có thông báo, khuyến cáo về tình hình xuất nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc; Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân ra ở nhiều cửa khẩu, tránh tập trung nhằm hạn chế hiện tượng ùn tắc hàng hóa khi thu hoạch rộ. Bên cạnh đó cũng tăng cường xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển để cung cấp cho thị trường các tỉnh thành phố phía Đông (như Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Chiết Giang, Hồ Bắc…) và những địa phương nằm sâu trong nội địa Trung Quốc.
Qua khảo sát của phóng viên Báo NTNN, nhiều nông dân trồng thanh long ở "thủ phủ thanh long" Bình Thuận là huyện Hàm Thuận Nam cũng bày tỏ niềm vui mừng nhưng vẫn có tâm lý e dè. Nông dân Cao Hoàng Thiện đang sở hữu vườn thanh long hơn 3.400 trụ ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam), cho biết, ông và bà con trồng thanh long xung quanh đã nghe tin vui này từ các cơ quan truyền thông mấy ngày qua.
"Đây là tín hiệu vui với người trồng thanh long, nhưng để tiếp cận thị trường Nhật Bản thì còn nhiều việc phải làm. Bởi vườn thanh long nhà tôi và những người thân trong gia đình chủ yếu trên 15 năm tuổi, già cỗi, khả năng kháng sâu bệnh thấp, do phải dùng thuốc kháng sinh. Muốn thanh long vào thị trường Nhật Bản phải có số vốn lớn, đầu tư lại và sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chuẩn và quy định kiểm nghiệm rất khắt khe của các cơ quan chuyên môn. Do vậy với tình hình nguồn nhân lực và tài chính thực tế hiện nay, e rằng chúng tôi sẽ không theo nổi…" - nông dân Cao Hoàn Thiện nói.
Không riêng gì ông Cao Hoàng Thiện, theo tìm hiểu của phóng viên, những hộ trồng thanh long khác ở huyện Hàm Thuận Nam đều tỏ ra e dè với "giấy thông hành". Bởi theo nông dân, đây là tín hiệu rất lạc quan cho tương lai nhưng hiện tại để làm theo đúng quy trình cho trái thanh long vào Nhật Bản là cả một quá trình dài và sức của những hộ dân này sợ không theo nổi...
"Với tập quán trồng thanh long của bà con như hiện nay ở huyện Hàm Thuận Nam, rất khó đạt được những tiêu chí này. Việc này phải cần các cơ quan chức năng và Nhà nước hỗ trợ để bà con vượt qua cái khó này".
Ông Hữu Thành -
chủ đại lý thu mua thanh long
Ông Hữu Thành - chủ một đại lý chuyên thu mua thanh long cho bà con ở huyện Hàm Thuận Nam cho hay, lâu nay ông thu mua thanh long sau đó chuyển lại cho một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. "Trước đây, tôi có gần 2 năm trời tìm hiểu thị trường Nhật Bản và thấy có cái lợi nhưng cũng có cái nông dân mình chưa đạt được nên sau đó phải dừng lại. Lợi là thanh long vào Nhật Bản giá bán tốt gấp nhiều lần so với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để thanh long vào được thị trường Nhật Bản cần phải tuân thủ nghiêm từ khi trồng, chăm sóc phân bón, đến khi thu hoạch, đóng gói vận chuyển phải qua một quy trình rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Với tập quán trồng thanh long của bà con như hiện nay ở huyện Hàm Thuận Nam, rất khó đạt được những tiêu chí này. Việc này phải cần các cơ quan chức năng và Nhà nước hỗ trợ để bà con vượt qua cái khó này" - ông Hữu Thành nói.
Bình Thuận sẽ hướng dẫn bà con trồng thanh long
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Hàm Thuận Nam cho biết, diện tích trồng thanh long trên địa bàn khoảng 14.744ha. Trong đó, thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP là 6.900ha; GlobalGAP 210ha; thanh long hữu cơ 10ha. Sản lượng thanh long toàn huyện sản xuất khoảng 350.000 tấn/năm. Toàn huyện có 176 cơ sở, doanh nghiệp thu mua thanh long và chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu vui khác là huyện Hàm Thuận Nam đã hình thành 3 chuỗi liên kết giá trị thanh long với số lượng 1.350 tấn/năm, xuất qua Nhật Bản, Mỹ... Với những thị trường này, huyện đã xây dựng xong mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, mã nhà đóng gói…
Trước thông tin người trồng thanh long còn e dè khi với thị trường Nhật Bản, đại diện Phòng NNPTNT huyện Hàm Thuận Nam cho biết sắp tới sẽ tổ chức vận động bà con sớm chuyển sang thị trường mới, ổn định hơn…
Ngày 21/10, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, liên quan đến việc Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận để vào thị trường Nhật… các cơ quan chức năng tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, để hướng dẫn bà con trồng thanh long áp dụng. "Tuy nhiên, thời gian qua diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp nên chưa triển khai được. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai vì Nhật Bản là thị trường ổn định, giá bán tốt…" - ông Hòa nói.
Được biết, vừa qua Sở Công Thương cũng đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận phối hợp triển khai vận động doanh nghiệp, hợp tác xã là thành viên tiếp tục hoạt động kết nối để mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long và nông sản khác của tỉnh vào thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch.
Sở Công Thương cũng đã chuyển danh sách tổng hợp đến doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm thanh long và nông sản khác của tỉnh. Theo đó cung cấp tên, số điện thoại, người liên hệ, địa chỉ email của 25 doanh nghiệp Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi trong việc trao đổi, đàm phán, thiết lập quan hệ và hướng tới hợp tác, ký kết hợp đồng kinh doanh đem lại hiệu quả…