dd/mm/yyyy

Nhập khẩu tôm của Trung Quốc bị chi phối bởi giá giảm sâu

Lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc ghi nhận giảm hai chữ số trong 7 tháng đầu năm nay khi thị trường đang phải đối mặt với nhu cầu và giá cả giảm.

Theo Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 11% về khối lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái xuống 529.116 tấn tương đương 2,5 tỷ USD.

Sự sụt giảm vào tháng 7, với khối lượng giảm 8% và giá trị giảm 18%. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 82.347 tấn tôm đông lạnh trị giá 396 triệu USD vào tháng 7. Giá nhập khẩu trung bình trong tháng 7 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4,81 USD/kg.

Ecuador vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc trong lũy kế 7 tháng đầu năm nay, với 390.963 tấn, trị giá 1,7 tỷ USD, giảm 8% lượng và giảm 22% về giá trị. Đơn giá trung bình giảm 15% xuống 4,51 USD/kg.

Ấn Độ và Venezuela là những điểm sáng hiếm hoi, với khối lượng nhập khẩu từ Ấn Độ tăng 11% và khối lượng của Venezuela tăng vọt 33%. Nhưng ngay cả khi ghi nhận mức tăng trưởng hai con số về số lượng nhưng giá trị nhập khẩu từ hai thị trường này cũng chỉ tăng ở mức 1% và 16%.

Giá tôm Ấn Độ bán cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay giảm 9% xuống 5,11 USD/kg, trong giá từ nguồn cung của Venezuela giảm 13% xuống còn 3,92 USD/kg.

Các nhà cung cấp lớn khác như Thái Lan, Argentina, Arab Saudi, Peru, Indonesia và Malaysia cũng chứng kiến mức giảm hai chữ số, trong khi giá nhập khẩu từ các nguồn này phần lớn đều giảm.

Đối với nguồn cung từ Việt Nam, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong có xu hướng phục hồi trong tháng 7 với mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 399 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng một phần nhờ Ecuador (đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc) phải đối mặt với kiểm tra gắt gao từ Trung Quốc và có một số lô hàng đã bị từ chối trong tháng 6 dư lượng sodium metabisulfite. Điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc.

Tại thị trường Trung Quốc, dù lợi thế tôm giá rẻ vẫn đang thuộc về Ecuador, nhưng không vì thế mà tôm Việt Nam không có cơ hội. Bởi màu sắc của con tôm Việt Nam sau khi được chế biến luôn có màu đỏ tươi, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Đây chính là điều mà tôm Ecuador khó đáp ứng được do họ chỉ nuôi ao đất, sau khi chế biến tôm chỉ có màu đỏ nhạt.

Tiếp nữa hiện thị trường này có nhu cầu cao với về tôm cỡ nhỏ, phù hợp với khả năng cung ứng của Việt Nam trong khi mặt hàng này, các nước khác không cung cấp được nhiều.

Dự kiến nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc sẽ tăng trở lại từ quý III để phục vụ giai đoạn Lễ Quốc Khánh và Tết Trung Thu, từ 17/9 – 7/10. Theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc có khả năng sẽ tăng trong giai đoạn này.

Các DN xuất khẩu tôm sang Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức về giá cả như cạnh tranh với tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ, Peru và mặt bằng giá thấp tại thị trường Trung Quốc. 7 tháng đầu năm nay, giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm. 

Tháng 7 năm nay, giá trung bình xuất khẩu tôm sú đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,8 USD/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm nay (với 10,7 USD/kg). Tháng 7 năm nay, giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh từ Việt Nam sang thị trường này đạt 6,2 USD/kg, mức thấp nhất so với các tháng còn lại của 7 tháng đầu năm nay.

P.V