dd/mm/yyyy

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Sơn La: Cây ăn quả đã giảm được nhiều bức xúc

"Chủ trương trồng cây ăn quả của tỉnh Sơn La đã giảm được nhiều bức xúc".., đó là một trong những phát biểu của ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 và gặp mặt, biểu dương các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020, ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, cho biết: Trong 5 năm qua, cái Sơn La đạt được là 78.850 ha cây ăn quả.

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Sơn La: Cây ăn quả đã giảm được nhiều bức xúc - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, cho biết: Chủ trương trồng cây ăn quả và phát triển HTX nông nghiệp trong giai đoạn năm 2015 - 2020 đã giảm được nhiều bức xúc, như: Bức xúc thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, tăng tỷ lệ độ che phủ rừng.

Theo ông Chất, như vậy trong 5 năm qua, Sơn La đã cơ bản ghép cải tạo xong 23.602 ha cây ăn quả. Thứ 2 là Sơn La trồng mới được 55.250 ha cây ăn quả. Sản lượng cây ăn quả đạt trên 300.000 tấn…Những số liệu này đã đưa Sơn La trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 trong cả nước (sau tỉnh Tiền Giang).

Vì sao cây ăn quả giảm được nhiều bức xúc?

Cũng theo nguyên Bí thư tỉnh uỷ Sơn La, đến nay, tỉnh Sơn La đã có những thành công bước đầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tranh thủ thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả. Cụ thể là ghép mắt và đưa giống mới vào trồng. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai; cách làm của Sơn La phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng giảm sử dụng gạo và tăng sử dụng quả.

Mặt khác, với tổng số diện tích cây ăn quả như trên, tỉnh Sơn La đã tổ chức được bước đầu tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở một tỉnh miền núi, biên giới còn nghèo. Cùng với đó, thu nhập của các hộ gia đình ngày càng tăng, dẫn đến có tích luỹ, mua sắm.

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Sơn La: Cây ăn quả đã giảm được nhiều bức xúc - Ảnh 2.

Sản phẩm nhãn ghép của tỉnh Sơn La cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Sơn La cũng ghi nhận cao việc người dân tự nguyện góp kinh phí, góp công sức xây dựng nông thôn mới. 

"Năm 2015, tỉnh Sơn La mới có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng trong 5 năm vừa qua, tỉnh Sơn La đã có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 1 đơn vị cấp huyện đầu tiên là TP Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới", ông Chất nói.

Ông Chất đánh giá: Chủ trương phát triển cây ăn quả và xây dựng Nông thôn mới đã mang đến cho người dân cả về đời sống vật chất và tinh thần. Đồng thời, tỉnh Sơn La đã giảm được những bức xúc, như: Bức xúc thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, tăng tỷ lệ độ che phủ rừng.

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Sơn La: Cây ăn quả đã giảm được nhiều bức xúc - Ảnh 3.

HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng ( bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên) giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở tại cơ sở với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Chất nêu ví dụ: Nếu trồng ngô, 1 ha thu được 10 triệu đồng thì 1 gia đình có 5 ha – 10 ha cũng thiếu. Nhưng nếu trồng 1 ha cây ăn quả và cho thu nhập được vài trăm triệu đồng thì 1 ha cũng đủ cho cả gia đình.

Theo báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả, HTX nông nghiệp: Giá trị sản xuất trên 1 ha trồng cây ăn quả bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm đối với một số loại quả, như: Bơ 218,9 triệu đồng; thanh long 225,5 triệu đồng/ha; nhãn ghép 226,5 triệu đồng/ha; xoài ghép 262,4 triệu đồng/ha; na 356,7 triệu đồng; dâu tây 414,5 triệu đồng/ha… Hết năm 2020, Sơn La có 614 HTX nông nghiệp, tăng 522 HTX so với năm 2015, trong đó có 301 HTX trồng cây ăn quả.

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Sơn La: Cây ăn quả đã giảm được nhiều bức xúc - Ảnh 4.

HTX Nông ngiệp Minh Thương (xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) cung cấp giống xoài ghép đảm bảo chất lượng cho người nông dân.

Các HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã và đang giúp các hộ gia đình sản xuất sản phẩm sạch. Mặt khác, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân trong sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng các nhu cầu của thị trường đặt ra. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho trên 8.000 người với mức thu nhập từ mức lương tối thiểu vùng trở lên.

Trong 5 năm qua, nhất là đầu năm 2016, tỉnh Sơn La đã thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc trồng cây ăn quả và phát triển hợp tác xã. Thông qua thực tế, đã giúp cho cán bộ các cấp đổi mới tư duy về phát triển kinh tế. Đó là đổi mới về phương pháp lãnh đạo theo hướng gần dân, sát dân, nghe dân nói.

Phải xây dựng được mối liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp

Ông Chất cho biết thêm: Trong 5 năm qua, tỉnh Sơn La đã tự khẳng định mình qua phát triển cây ăn quả, qua phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học. Từ khẳng định đó, những năm qua, tỉnh Sơn La đã giúp 9 tỉnh Bắc Lào nhiều mô hình; đào tạo lý thuyết và thực tiễn về phát triển nông nghiệp cho các tỉnh bạn. Thông qua đó, đã giúp làm tốt công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh của một tỉnh biên giới, nhiều dân tộc như Sơn La.

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Sơn La: Cây ăn quả đã giảm được nhiều bức xúc - Ảnh 5.

Chủ trương phát triển cây ăn quả và phát triển HTX nông nghiệp của tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2015 - 2020 đã góp phần giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Cũng theo ông Chất, nhìn lại trong 5 năm qua, tỉnh Sơn La đã có đội ngũ cán bộ có tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp. Hết năm 2020, giá trị sản xuất quả theo giá hiện hành đạt trên 3.000 tỷ. Qua đó, khẳng định nông nghiệp Sơn La đã phát triển mức khá cao và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Uy tín sản phẩm quả của Sơn La tăng mạnh trên thị trường, được cả nước biết đến.

Ông Chất cũng đưa ra ý kiến: Trong thời gian tới, các ngành, địa phương và người dân cần phải coi trọng hơn nữa chất lượng sản phẩm sạch, ngon; tiếp tục chuyển mạnh hơn nữa sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tránh tư tưởng muốn thu nhập cao mà tăng bón phân vô cơ ép cây ra quả, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để Sơn La tiếp tục khẳng định thương hiệu chất lượng sản phẩm quả. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung, quy hoạch phát triển cây ăn quả.

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Sơn La lưu ý, cần phải có cơ sở khoa học cho việc quy hoạch trên 100.000 ha cây ăn quả. Phải đánh giá lại xem có xã hay huyện nào đã vượt diện tích cây ăn quả quy hoạch chưa? Hiện còn tình trạng đưa cây ăn quả hoặc giống cây ăn quả chịu nóng về trồng ở vùng lạnh và ngược lại không?

Ông Chất nhấn mạnh: Hiện nay, Sơn La có một số doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng hiện nay sản phẩm quả còn khoảng 90% chưa qua chế biến. Khi sản phẩm được chế biến, sẽ ổn định được thị trường tiêu thụ cho các hộ gia đình. Vì vậy phải xây dựng được mối liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp mới bền vững và có hiệu quả được.

Tuệ Linh