dd/mm/yyyy

Nguy cơ người nghèo không được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất: Cán bộ phải quyết tâm làm vì người nghèo (Bài 2)

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Theo ông Lê Thành Đô thì nguồn vốn thực hiện lớn, tuy nhiên đến nay hầu hết các địa phương chưa triển khai thực hiện được các dự án hỗ trợ sản xuất. Lãnh đạo UBND các huyện đang lấy lý do vướng về cơ chế, chính sách.

Khó giải ngân vì vướng cơ chế chính sách?

Đề cập nguyên nhân khiến kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia của Điện Biên chậm và chưa đạt kỳ vọng, bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên khẳng định: "Nguyên nhân chủ quan là do các huyện lúng túng, không bám sát nội dung Nghị quyết 09 ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được UBND tỉnh Điện Biên ban hành, bởi vậy các huyện đều nói khó vì không biết xác định cây gì, con gì. "Nghị quyết 09, chương trình hành động thực hiện nghị quyết 09 và kế hoạch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với 3 đề án (kinh tế nông lâm nghiệp; chăn nuôi gia súc, sản phẩm OCOP) đã chỉ rõ đến từng địa bàn là phát triển cây gì, con gì cộng với điều kiện thực tế tại địa phương thì các huyện căn cứ vào đó để lựa chọn phát triển thành vùng nguyên liệu. Còn nếu chỉ thực hiện các dự án phát triển cộng đồng với diện tích nhỏ lẻ vài héc-ta thì rất khó phát triển thành vùng nguyên liệu mà hiệu quả sẽ không bền vững" - bà Chu Thị Thanh Xuân dẫn chứng chi tiết.

Bài 2: Cán bộ phải thực sự quyết tâm làm vì người nghèo - Ảnh 1.

Huyện Nậm Pồ phát triển diện tích rau xanh, cung cấp rau sạch cho các trường học, Ảnh Vinh Duy.

Tại huyện Điện Biên, 6 tháng đầu năm 2024, được phân bổ vốn trên 90,3 tỷ đồng thực hiện nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đến nay chưa dự án nào triển khai thực hiện.

Ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Nguyên nhân do một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, nội dung văn bản chưa cụ thể, thiếu đồng bộ gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc quy định con giống, vật nuôi phải đảm bảo các quy định của Luật Chăn nuôi chưa phù hợp với địa bàn miền núi, trong khi trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất con giống đảm bảo quy định. Các đơn vị cung ứng giống chưa đảm bảo quy định, cung cấp một số con giống chưa đúng tiêu chuẩn. Trong khi đó, công tác kiểm tra điều kiện sản xuất con giống của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, phần lớn cộng đồng thụ hưởng không thể trực tiếp đến được nơi sản xuất con giống để kiểm tra.

Bài 2: Cán bộ phải thực sự quyết tâm làm vì người nghèo - Ảnh 2.

Từ chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay huyện Tuần Giáo đã hỗ trợ người dân trồng gần 3.000ha cây mắc ca. Ảnh Vinh Duy.

Không để người nghèo mất cơ hội làm giàu

Dù rất chia sẻ khó khăn khách quan mà các huyện gặp phải trong thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia, song ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã thẳng thắn nói rằng, cơ bản là quyết tâm của lãnh đạo, cán bộ. Ông Lê Thành Đô dẫn chứng: Cùng cơ chế chính sách, cùng thời gian thực hiện, vậy tại sao năm 2024, huyện Tuần Giáo trồng thành công hơn 3.000ha mắc ca; huyện Nậm Pồ, huyện Mường Nhé lựa chọn, triển khai trồng hàng nghìn héc-ta quế và hàng chục héc-ta rau, chanh leo trên vùng khô hạn Si Pa Phìn… vậy mà các huyện khác lại vẫn lúng túng, băn khoăn cây gì, con gì? Đây là thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục thay vì cứ hết lần này đến lần khác đổ lỗi tại vướng mắc.

Bài 2: Cán bộ phải thực sự quyết tâm làm vì người nghèo - Ảnh 3.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã thẳng thắn nói rằng, cơ bản là quyết tâm của lãnh đạo, cán bộ. Ông Lê Thành Đô dẫn chứng: Cùng cơ chế chính sách, cùng thời gian thực hiện vậy tại sao năm 2024, huyện Tuần Giáo trồng thành công hơn 3.000ha mắc-ca; huyện Nậm Pồ, huyện Mường Nhé lựa chọn, triển khai trồng hàng nghìn héc-ta quế và hàng chục héc-ta rau, chanh leo trên vùng khô hạn Si Pa Phìn… Vậy các huyện khác thì sao? Ảnh Vinh Duy

Nhấn mạnh mục tiêu "Phải thực hiện hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo cho người dân", ông Lê Thành Đô đã chỉ đạo hạn chế thấp nhất hoặc không thực hiện dự án hỗ trợ cộng đồng về chăn nuôi (hỗ trợ trâu, bò, lợn, gà) thay vào đó là tập trung nguồn lực để phát triển các mô hình hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa vào tiềm năng thế mạnh từng địa phương. Cụ thể là huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ tập trung vào cây quế thì phải làm cho ra tấm ra món. Huyện Tuần Giáo tập trung mắc ca, cà phê; huyện Mường Ảng ưu tiên phát triển cà phê; huyện Mường Chà tập trung cây quế, mắc ca và các mô hình khác thì phải thực hiện đồng bộ, bài bản…. Coi trọng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không thể chỉ coi là việc của phòng này, xã kia. Xuyên suốt quá trình thực hiện, các huyện phải tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, giám sát ngay từ khâu lựa chọn mô hình, cung ứng, sử dụng nguồn giống đảm bảo đúng quy định pháp luật; đồng thời thường xuyên kiểm tra thực địa, phân công cán bộ kĩ thuật hướng dẫn, đồng hành với người dân. Có như vậy, các chính sách hỗ trợ sản xuất mới thực sự đem lại hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Vinh Duy