Ngát hương lúa nếp Ong
07/02/2017 08:52 GMT +7
Lúa nếp Ong (dân địa phương gọi là Khẩu Phjẩng) Trùng Khánh được trồng trên những đám ruộng màu mỡ bên dòng sông Quây Sơn trong xanh. Có lẽ do đất đai, khí hậu và dòng nước trong, mát lạnh nên lúa nếp Ong có bông dài, hạt tròn to, gạo thơm, dẻo, có hương vị độc đáo, thơm ngon hơn hẳn các loại gạo nếp khác, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Lúa nếp Ong “Khẩu Phjẩng” Trùng Khánh được trồng tại xã Ngọc Côn cho năng suất, sản lượng cao.
Anh Hoàng Văn Đức, xóm Nà Mằn, xã Phong Châu (Trùng Khánh) vui vẻ khoe: Giống lúa nếp Ong được người dân địa phương trồng từ xa xưa, đến nay giống cơ bản đã bị thoái hóa, năng suất thấp. Năm 2016, mô hình “Liên kết bốn nhà” triển khai thực hiện ở địa phương, người dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ, áp dụng từ khâu cấy số dảnh/khóm, mật độ cấy mạ, cách chăm sóc, chọn lọc giống cho vụ sau..., năng suất lúa bình quân đạt 42,5 tạ/ha.
Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm nếp Ong, bao tiêu sản phẩm với giá 17 nghìn đồng/kg thóc, cao hơn nhiều so với gạo nếp thông thường. Giá trị sản xuất đạt 68 triệu đồng/ha, trừ chi phí giống, phân, bón, thuốc trừ sâu, cày bừa, thu nhập gần 60 triệu đồng/ha. Sang vụ sau tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa nếp Ong.
Chủ tịch UBND xã Phong Châu Nông Văn Tuấn cho biết: Mô hình “Liên kết bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa nếp Ong Trùng Khánh thực hiện tại địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong những năm tiếp theo, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích, trở thành hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu nhân rộng giống lúa đặc sản nếp Ong từ 20 - 25 ha/năm. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân duy trì thực hiện tốt các khâu kỹ thuật, chăm sóc để sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Để duy trì và phát triển giống lúa nếp Ong đặc sản này trở thành hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, vụ mùa năm 2016, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà xây dựng mô hình “Liên kết bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa nếp Ong Trùng Khánh, diện tích 40 ha với 387 hộ dân tham gia tại 3 xã: Phong Châu, Ngọc Khê, Ngọc Côn. Giống lúa được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) phục tráng đảm bảo chất lượng, sản lượng cao. Các hộ tham gia mô hình cấy 1.000 m2 được hỗ trợ 6 kg giống, 12,5 kg phân bón NPK, 25 kg phân hữu cơ vi sinh. Riêng thuốc bảo vệ thực vật theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa; hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc, thu hoạch bảo quản. Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà phối hợp với nhà khoa học xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn kỹ thuật; bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa đặc sản nếp Ong hàng hóa tại 3 xã: Phong Châu, Ngọc Côn, Ngọc Khê, thời gian tới, huyện Trùng Khánh phấn đấu trồng 60 ha lúa nếp Ong/năm, đến năm 2021 toàn huyện phát triển được 300 ha. Trên cơ sở đó sẽ hình thành các vùng trồng lúa đặc sản nếp Ong tập trung tại các xã: Ngọc Côn, Ngọc Khê, Đình Phong, Phong Châu, Chí Viễn. Vận động nhân dân vùng quy hoạch chuyển diện tích ruộng trồng lúa khác cho hiệu quả kinh tế thấp sang phát triển trồng cây lúa đặc sản nếp Ong. Đồng thời tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người dân áp dụng vào sản xuất từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư, liên kết với người dân để sản xuất, bao tiêu sản phẩm gắn với thương hiệu chỉ dẫn địa lý của huyện. Tăng cường công tác quảng bá về sản phẩm đặc sản lúa nếp Ong của địa phương.