Thứ Năm, ngày 16/01/2025 12:51 AM (GMT+7)

Mường Khương làm gì để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số?

2024-12-05 08:20:44

Những năm qua, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước xác định là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài, cấp bách là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn hiện nay.

Học sinh mặc trang phục truyền thống

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai với 23 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90,38% tổng dân số. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương luôn hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc sống của người dân các dân tộc đổi thay rõ rệt. Cùng với đó, những nét văn hóa truyền thống độc đáo luôn được bà con quan tâm, bảo tồn và phát huy.

Mường Khương làm gì để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số? - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc Dao xã Thanh Bình, huyện Mường Khương gìn giữ nghề thêu may trang phục truyền thống. Ảnh: Anh Lâm.

Với lực lượng đông đảo chiếm hơn 1/3 dân số của huyện, ngành Giáo dục huyện Mường Khương đã cụ thể hóa việc gìn giữ và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đến 59/59 đơn vị trường học và nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực.

Đều đặn 2 buổi trong tuần vào thứ 2 và thứ 4, hơn 400 em học sinh cùng thầy cô giáo của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Chảy thêm phấn khởi khi được mặc trên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Tất cả đều cảm thấy tự hào khi trên con đường học tập, tìm kiếm tri thức được mặc trên mình những bộ truyền thống của dân tộc quê hương. 

Việc mặc trang phục truyền thống các dân tộc được Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy triển khai từ nhiều năm nay, xuất phát từ thực tiễn 100% học sinh là đồng bào các dân tộc thiểu số, thầy cô giáo công tác tại nhà trường cũng phần lớn là người địa phương. Những lớp học với gam màu tươi sáng, cô cảm thấy say mê hứng thú với từng tiết giảng; trò cảm thấy yêu thích hơn khi mặc trang phục truyền thống đã tạo nên một giờ học hiệu quả. Tất cả đã hun đúc tình yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc đến các em từ những bộ trang phục truyền thống.

Mường Khương làm gì để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số? - Ảnh 2.

Học sinh mặc trang phục truyền thống trong lớp học. Ảnh: Anh Lâm.

Trao đổi với PV, ông Phùng Thế Tùng- Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy, huyện Mường Khương cho biết: "Dựa trên đặc thù của địa phương gần như 100% con em và giáo viên công tác tại trường là người dân tộc thiểu số cũng như thực hiện việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thì nhà trường đã triển khai việc mặc trang phục truyền thống đến lớp, được thầy cô, các em học sinh cũng như phụ huynh rất là hưởng ứng. Giờ đây đã tạo thành nề nếp một tuần 2 buổi là chúng tôi thực hiện. Tôi cảm thấy các em hứng thú hơn trong học tập và các cô cũng say mê đối từng giờ giảng, từ đó chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên...".

Gìn giữ, lưu truyền chữ viết cho thế hệ trẻ

Mường Khương có 23 đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì dân tộc Dao đứng thứ 4 về số lượng người. Hiện có khoảng hơn 3.000 người Dao sinh sống rải rác khắp thôn, bản trên địa bàn. Bên cạnh di sản văn hóa của dân tộc Dao là những bộ trang phục bắt mắt với đường thêu cầu kỳ thì văn hóa Dao còn ghi dấu ấn với chữ viết đang được các nghệ nhân gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ trẻ.

Với mong muốn chữ viết của người Dao không bị mai một theo thời gian bởi thực tế có rất nhiều người Dao không chỉ là các em nhỏ mà ngay cả người trung niên, cao tuổi không biết viết chữ Dao của dân tộc mình. Để bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao, hơn 10 năm nay nghệ nhân ưu tú Tẩn Khái Cường thôn Pờ Hồ xã Thanh Bình huyện Mường Khương đã mở lớp truyền dạy chữ dao ngay tại thôn.

Mường Khương làm gì để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số? - Ảnh 3.

Lớp học viết chữ Dao được mở tại thôn Pờ Hồ, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao. Ảnh: Anh Lâm.

Việc học chữ Dao không giống như các các ngôn ngữ khác, có độ khó đòi hỏi học viên trước hết phải thật yêu thích và kiên trì thì mới có thể học được; bởi chữ Nôm Dao khác Tiếng việt là không có dấu, chữ theo nét nên có độ khó với người học. Khó học là vậy nhưng hơn 10 năm qua lớp học chữ Dao của thầy Cường chưa bao giờ vắng bóng học trò; thu hút các bạn đến học không chỉ trong xã mà các xã lân cận cũng đến học. Bản thân là người dân tộc Dao muốn am hiểu về ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình sau 7 năm kiên trì theo học viết chữ Dao anh Mìn đã có thể viết thông, đọc thạo và truyền dạy cho con cái của mình.

Học viên Phàn Khái Mìn, thôn Pờ Hồ, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, bảo: "Em theo học lớp thầy Cường từ những năm thầy mới mở lớp. Bản thân em là người Dao và người Dao chúng em thì rất chú trọng Lễ cấp sắc (lễ trưởng thành của con trai người Dao) con trai người dao ai cũng phải làm lễ này. Ngay từ nhỏ em đã yêu thích và muốn tìm hiểu về ngôn ngữ của dân tộc mình. Lúc đầu học em cũng thấy khó nhưng nếu thật sự yêu thích và kiên trì thì em nghĩ các bạn cũng có thể học được. Hiện nay em đã có thể nói và viết thành thạo các chữ Dao".

Có thể thấy những năm qua, xã Thanh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch, văn hóa hấp dẫn du khách.

Mường Khương làm gì để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số? - Ảnh 4.

Huyện Mường Khương bảo tồn, tái hiện Lễ hội 'Nhé khố sinh'' dân tộc Bố Y. Lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc phòng, chống khô hạn, quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước cho thôn bản, bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Anh Lâm.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, xã đã tổ chức mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ của dân tộc Bố Y; truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao…Từ đó, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Dao trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, bảo vệ di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao tại địa phương.

Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc cũng được huyện Mường Khương quan tâm chú trọng thực hiện thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống.

Qua khảo sát tại các xã, thị trấn của huyện phải đến 20 năm không còn xã nào tổ chức Lễ hội ‘‘Nhé khố sinh’’- một trong những lễ hội truyền thống của dân tộc Bố Y (dân tộc ít người của cả nước). Lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc phòng, chống khô hạn, quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước cho thôn bản, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Bố Y gắn liền với tập quán tín ngưỡng, lễ tết và canh tác nông nghiệp tại các bản làng người Bố Y. Việc phục dựng, tái hiện lễ hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ ngày nay.

Những dịp tổ chức ngày hội văn hóa du lịch, huyện Mường Khương đã tổ chức cho đồng bào các dân tộc thiểu số phục dựng lại một số nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Qua việc tổ chức phục dựng các nghệ nhân, trưởng thôn có dịp trao truyền lại cho lớp trẻ những kiến thức, nghi lễ phục dựng các lễ hội.

Trong quá trình phục dựng, các nghệ nhân cũng đã cố gắng giữ lại nguyên bản sắc văn hóa dân tộc, để quảng bá và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, góp phần gìn giữ di sản văn hóa tinh thần quý báu thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của từng dân tộc, góp phần tạo nên sản phẩm văn hóa độc đáo phục vụ khách đến thăm quan du lịch.

Huyện Mường Khương xác định, việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, những năm qua địa phương đã giành nhiều nguồn lực đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ thực hiện các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần bảo tồn phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

PV Tây Bắc
Cổ phiếu 'họ Vin' tiếp tục bị bán trong phiên cuối tuần, bất chấp sự trấn an từ nhiều phía

Cổ phiếu "họ Vin" tiếp tục bị bán trong phiên cuối tuần, bất chấp sự trấn an từ nhiều phía

Thị trường mở cửa phiên giao dịch hôm nay với biên độ biến động khá mạnh, VN-Index có lúc bật tăng 5 điểm nhưng nhanh chóng quay đầu giảm tới 7 điểm chỉ sau 30 phút giao dịch. Càng về cuối phiên, lực bán càng tăng mạnh với sự dẫn dắt của các mã "họ Vingroup".