Mô hình nuôi tôm bằng "đưa biển vào bờ"
16/09/2017 07:45 GMT +7
Thay vì ra sức ngăn mặn, giữ ngọt, nhiều địa phương ven biển đã “mở cửa” dẫn nước biển vào nội đồng để biến thành vùng mặn lợ, nuôi tôm hiệu quả cao hơn hẳn. Đây không chỉ là bài toán sinh kế mà còn được xem là hành động thông minh.

Kiên Giang nằm trải mình bên bờ vịnh Thái Lan, sở hữu vùng biển rộng tới hơn 63.000km2 (gấp khoảng 10 lần diện tích tự nhiên đất liền), với trên 140 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 43 đảo có dân cư sinh sống. Bờ biển dài hơn 200km, trải dài từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh, tiếp giáp với tỉnh Cà Mau).
Ngoài khai thác, đánh bắt hải sản từ biển khơi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển ngày càng khẳng định vị thế của mình khi nguồn lợi tự nhiên đang dần cạn kiệt. Các đối tượng thủy hải sản nuôi mặn lợ hiện nay rất phong phú, cho giá trị kinh tế cao như tôm, cá, cua, sò...
Trong 4 tiểu vùng sinh thái của tỉnh Kiên Giang thì Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và U Minh Thượng (UMT) được xác định nghề NTTS là một trong những ngành kinh tế chủ lực và là mũi nhọn để đột phá. Bên cạnh nuôi ven biển thì nuôi trong đất liền ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, việc dẫn nước biển “nhập điền” để mở rộng vùng nuôi mặn lợ là lựa chọn tất yếu.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh 8 tháng đầu năm đã đạt gần 116.000ha, vượt 3.000ha so với kế hoạch cả năm. Trong đó, riêng nuôi theo mô hình lúa - tôm nước lợ đã đạt hơn 89.000ha. Nhiều địa phương thuộc vùng UMT hiện diện tích thả nuôi đạt khá cao như huyện An Minh (gần 48.000ha), An Biên (21.000ha), Vĩnh Thuận (trên 19.000ha), U Minh Thượng (hơn 8.000ha).
Còn tại vùng TGLX, ngoài được quy hoạch là “mỏ tôm công nghiệp” của tỉnh, tập trung tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành, thị xã Hà Tiên với diện tích lên đến cả ngàn ha thì nơi đây đang được tiếp tục mở rộng thêm nuôi tôm quảng canh.
Ông Cao Minh Trung, Phó trưởng phòng NN&PTNT Hòn Đất cho biết, trước mắt, các xã đang chuyển đổi 3.950ha sang nuôi tôm nước lợ, trong đó có 400ha nuôi thâm canh công nghiệp, còn lại là lúa - tôm. Những tháng đầu năm, nông dân đã thả nuôi được 2.377ha tôm, gồm tôm - lúa, quảng canh cải tiến và nuôi ghép tôm, cua. Kết quả chuyển đổi cho thấy hiệu quả của mô hình mặn lợ cao hơn hẳn so với chuyên lúa”, ông Trung khẳng định.
Anh Nguyễn Hoàng Minh, một nông dân ở ấp Bảy Chợ (xã Đông Thái, An Biên, Kiên Giang) cho biết: “Tui và mọi người ở đây mới chuyển qua mô hình lúa - tôm được 1, 2 vụ, do mới được quy hoạch đưa nước biển vào. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế đã tăng lên rõ rệt, vì mỗi kg tôm nguyên liệu có giá trên 200 ngàn đồng. Mỗi ha thu 250 - 300kg tôm là lợi nhuận cao gấp gần chục lần so với trồng lúa”.