dd/mm/yyyy

Niềm vui của bà con các dân tộc Yên Châu khi Mận hậu vào mùa chín đỏ

Bà con nông dân các dân tộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La bắt đầu vào vụ thu hái mận hậu chính vụ. Mận hậu được mùa, được giá, bà con nông dân phấn khởi.

Clip: Mùa mận hậu chín đỏ trên đất Yên Châu

Mận hậu Yên Châu được mùa

Thời điểm này, tại các xã Phiêng Khoài, Lóng Phiêng thủ phủ mận hậu của huyện Yên Châu, Sơn La bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính vụ. Đi dọc 2 bên đường không khó bắt gặp xe tải, xe container xếp hàng dài đỗ chờ mua mận hậu. Mỗi ngày đia phương này có hàng trăm tấn mận hậu được chơ đi tiêu thụ ở các tỉnh miền xuôi. Vu mận hậu năm nay vừa được mùa, giá cả lại ổn định, những người nông dân trồng mận rất phấn khởi.

Với HTX sản xuất Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, Bản Tam Thanh, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, sau khi kết thúc vụ thu hoạch mận trái vụ, thời điểm này các thành viên HTX đang tập chung thu hoạch mận hậu chính vụ, đóng hộp, giao cho các thương lái vận chuyển đến các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Yên Châu: Mận hậu vào mùa chín đỏ  - Ảnh 2.

Các thành viên HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, Bản Tam Thanh, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thu hái mận hậu. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tuấn Anh, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc cho biết: HTX có 19 thành viên, canh tác trên 130 ha mận hậu, trong đó có 60 ha mận hậu sản xuất theo hướng hữu cơ và trên 35 ha diện tích mận hậu chăm sóc theo quy trình VietGAP.

"Để đảm bảo năng suất, cũng như chất lượng, HTX quán triệt đến các thành viên bón phân hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, kết hợp kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, tỉa quả, nên mẫu mã, chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các khách hàng, thị trường khó tính nhất", ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Tuấn Anh, năm nay trời thiết khá thuận lợi, nên mận hậu tại vùng Yên Châu cho sản lượng cao, chất lượng quả to, đều. Năm nay sản lượng của HTX ước đạt khoảng 15 tấn/ha. Với giá bán giao động từ 35.000 – 60.000 đồng/kg, vụ mận hậu năm nay HTX thu về khoảng 25 tỷ đồng.

Yên Châu: Mận hậu vào mùa chín đỏ  - Ảnh 3.

Mận hậu Yên Châu quả có màu tím đậm, phủ kín phấn trắng, ăn giòn, róc hạt và vị ngọt đậm. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Vì Văn Áng, Bản Tam Thanh, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: gia đình anh có hơn 5 ha mận hậu. Để đạt năng xuất cũng như chất lượng, ngày từ đầu vụ gia đình anh đã áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác vườn mận hậu của gia đình. Hiện nay gia đình anh đang sản xuất mận hậu chuẩn VietGAP.

"Hơn 1 tuần nay vườn mận của gia đình tôi đã bắt đầu cho thu hoạch, ngoài các môi hàng được thương lái đến tận vườn thu mua, để thuận tiện cho việc tiêu thụ, gia đình đã sử dụng phương thức livestream bán mận trực tuyến để tìm kiếm thêm nhiều khách hàng trong. Trung bình mỗi ngày, gia đình bán được gần 1 tấn mận với giá 25-30 nghìn đồng/kg mận xô tại vườn; 50-60 nghìn đồng/kg mận VIP", anh Áng nói.

Yên Châu: Mận hậu vào mùa chín đỏ  - Ảnh 4.

HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc đóng mận, chuẩn bị hàng cho thương lái. Ảnh: Văn Ngọc

Mận hậu cây trồng chủ lực của nông dân Yên Châu

Mận hậu Yên Châu có đặc điểm khác biệt so với mận hậu trồng những vùng khác đó là quả có màu tím đậm, phủ kín phấn trắng, ăn giòn, róc hạt và vị ngọt đậm. Thời vụ thu hoạch mận chính vụ kéo dài từ trung tuần tháng 5 đến hết tháng 7. Hiện nay, sản phẩm mận hậu Yên Châu được các doanh nghiệp thu mua đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trên toàn quốc.

Trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) hiện có trên 3.000 ha mận hậu, tập trung chủ yếu các xã Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, sản lượng dự kiến niên vụ 2023 đạt khoảng 30.000 tấn quả. Thời vụ thu hoạch chính bắt đầu từ trung tuần tháng 5 kéo dài đến đầu tháng 7 dương lịch.

Yên Châu: Mận hậu vào mùa chín đỏ  - Ảnh 5.

Yên Châu: Mận hậu vào mùa chín đỏ  - Ảnh 6.

Để giúp nông dân tiêu thụ mận hậu, huyện Yên Châu đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thông tin: Để nâng cao giá trị thương hiệu mận hậu, những năm qua, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với các xã tập trung hướng dẫn các HTX, người dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc mận hậu theo quy trình VietGAP, đốn tỉa, tạo tán, chăm sóc, sử dụng nhiều phân hữu cơ; chủ động trong tưới tiêu. Đến nay, giá trị trái mận hậu của Yên Châu trên thị trường tương đối cao so với các sản phẩm cùng loại.

Yên Châu: Mận hậu vào mùa chín đỏ  - Ảnh 7.

Xã Phiêng Khoài và xã Lóng Phiêng là 2 địa phương có diện tích mận hậu lớn nhất của huyện Yên Châu. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cho quả mận, thời gian qua, huyện Yên Châu hỗ trợ, khuyến khích nông dân thay đổi tư duy canh tác, dịch chuyển từ lượng sang chất. Từ chỗ trồng, để phát triển tự nhiên, đến nay, khoảng 70% diện tích mận ở Yên Châu đã được người dân đầu tư hệ thống nước tưới. Cây được đốn tỉa, tạo tán và bón phân theo từng chu kỳ. Để quả to, đồng đều, người dân còn áp dụng kỹ thuật tỉa bớt khoảng 30% tỷ lệ quả. Nhờ vậy, mận cho chất lượng ngon, kích thước to đều, có thể đạt 18-22 quả/kg.

Huyện Yên Châu (Sơn La) đang tập trung cao cho việc giới thiệu sản phẩm mận đến các thị trường lớn; tìm kiếm đối tác tiêu thụ; nhân rộng mô hình trồng theo hướng hữu cơ, tạo ra những trái mận hậu "Ruby" chất lượng đáp ứng tiêu chí khắt khe thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Cùng với đó, sẽ thực hiện mở rộng việc cấp mã số vùng trồng; khảo sát, mời đơn vị tư vấn, thiết kế mẫu mã bao bì riêng cho sản phẩm mận hậu Yên Châu (Sơn La).

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh