Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện Mai Châu luôn đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sức mạnh toàn dân tham gia công tác bảo vệ môi trường. Huyện kêu gọi người dân thu gom, phân loại rác thải tại nhà và thường xuyên dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng nhiều cây xanh bảo vệ môi trường sống. Những năm qua, người dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí để đầu tư cho việc thu gom, xử lý rác thải.
Bên cạnh đó, huyện Mai Châu còn tập trung lồng ghép công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp xóm, tiểu khu, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Từ đó có hành động đúng, góp phần giữ cho môi trường luôn xanh - sạch - đẹp. Đồng thời tăng cường công tác quản lý môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Trao đổi với PV Nông thôn ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Đặng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho hay: "Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, hệ thống kênh mương nội đồng. Chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hoạt động xử lý, thu gom rác thải. Thực hiện vệ sinh môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
"Đồng thời, chúng tôi cũng đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quy định nếp sống văn hoá ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Hàng năm huyện đều xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, kế hoạch phát động triển khai thực hiện các ngày lễ như: Ngày môi trường Thế giới (5/6), tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, chương trình giờ trái đất tới các xã, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học theo quy định. Thông qua những việc làm cụ thể này, người dân sẽ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường", ông Đặng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu thông tin thêm.
Tiếp tục thực hiện chỉ thị số 09CT/HU ngày 26/9/2011 của Huyện ủy Mai Châu về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, phòng Tài nguyên môi trường, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đôn đốc và chỉ đạo xã, thị trấn tổ chức xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường. Kiểm tra các đơn vị khai thác khoáng sản, nhằm kịp thời ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện.
Việc Huyện ủy ban hành nghị quyết về bảo vệ môi trường đã thể hiện sự quan tâm, chú trọng và xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Phòng Tài nguyên môi trường huyện Mai Châu đã triển khai thực hiện tốt nghị quyết, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.
Chia sẻ với phóng viên, ông Khà Văn Thảnh, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Mai Châu cho biết: "Nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, chúng tôi đã đổi mới nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền để tiến tới xây dựng chuẩn mực đạo đức cao đẹp. Chúng tôi treo các pano, áp phích; tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ, hội thảo, triển lãm... để chuyển tải thông tin môi trường tới các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các cuộc trao đổi, thảo luận chính thức hoặc không chính thức để phổ biến kiến thức trong bảo vệ môi trường. Khuyến khích cộng đồng phát huy các sáng kiến, nâng cao vai trò trách nhiệm của nhân dân và doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường".
Thời gian qua, huyện Mai Châu đã tăng cường xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực khai thác đá, sỏi, các cơ sở sản xuất đũa ở các xã: Vạn Mai, Chiềng Châu, Mai Hịch... Huyện đã xây dựng nhà máy xử lý rác ở xã Xăm Khòe, nhằm tránh tồn đọng rác, gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân và môi trường.
Huyện Mai Châu có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sở hữu nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm mỗi năm. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng của "ngành công nghiệp không khói" được huyện đặc biệt quan tâm. Việc bảo vệ môi trường chính là chìa khóa để phát triển du lịch bền vững, được đông đảo người dân hưởng ứng.
Ông Đăng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu nhận định: "Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy thời gian qua, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị sản xuất kinh doanh chưa có cam kết bảo về môi trường lập dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường, có nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh và ô nhiễm môi trường".
Mới đây, UBND huyện Mai Châu đã ra văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn, các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân. Phải chịu trách nhiệm toàn diện trước lãnh đạo UBND huyện nếu xảy ra vi phạm, ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.
Bà Vì Thị Sàng, bản Cha Long (xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu) cho hay: "Hưởng ứng lời kêu gọi của huyện về gìn môi trường sạch đẹp, tôi đều dọn vệ nhà cửa sạch sẽ. Tôi xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, không nhốt trâu, bò dưới gầm sàn, vứt giác đúng nơi quy định. Nếu mỗi cá nhân ai cũng có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, thì tôi tin rằng sẽ có 1 môi trường trong lành, giảm thiểu tối đa bệnh tật".
Nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và đông đảo người dân, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Mai Châu ngày càng được nâng cao. Môi trường trên địa bàn huyện được cải thiện rõ rệt. Ông Khà Văn Thảnh, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Mai Châu cho hay: "Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường, chúng tôi sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thải, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình... Đồng thời gửi các văn bản hướng dẫn cụ thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức tự giác thực hiện của các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa, chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương".