dd/mm/yyyy

Nông dân Sơn La thu nhập cao nhờ liên kết với doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp đã trở thành một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Sơn La.

Clip: Nông dân Sơn La có thu nhập ổn định nhờ liên kết với doanh nghiệp

Liên kết sản xuất, nông dân thu nhập cao

Việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp đã trở thành một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Từ quy trình áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, đến việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, việc liên kết giữa nông dân với Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La, đã giúp nhiều nông dân tăng thêm thu nhập. Người nông dân không còn phải lo lắng về "đầu ra" của sản phẩm nông nghiệp.

Xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La một trong những vùng mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La, nhờ liên kết trồng mía với công ty, nhiều hộ nông dân tại địa phương này đã có thu nhập ổn định, việc sản xuất nông nghiệp trở nên thuận lợi hơn, người nông dân không phải lo đầu ra vì đã có công ty thu mua toàn bộ.

Nông dân Sơn La thu nhập cao nhờ liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 2.

Xã Chiềng Lương, một trong những vùng mía nguyên liệu của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Gia đình anh Lò Văn Tiêng, bản Mờn, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có hơn 2 ha đất trồng mía, vụ mía năm nay, gia đình ông thu được hơn 170 tấn, với giá bán ổn định thu về gần 150 triệu đồng. Thu nhập từ trồng mía đã giúp gia đình ông có của ăn, của để, các con được học hành chu đáo.

Ông Tiêng chia sẻ: Năm 2016, gia đình ông được Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV cùng với ngày công máy cấy để làm đất, gia đình ông đã quyết định chuyển đổi 2 ha đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng mía.. So với trồng các loại giống cây trồng khác, trồng mía hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều quan trọng là được Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La ký hợp đồng bao tiêu, nên gia đình tôi cũng như các hộ dân trong bản chỉ lo việc chăm sóc mía sao cho tốt, đầu ra đã có nhà máy lo, trồng mía là yên tâm" ông Tiêng nói.

Ở Chiềng Lương, không chỉ gia đình ông Tiêng mà còn nhiều hộ gia đình nông dân khác liên kết với Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La, tạo thành vùng mía nguyên liệu lớn trên địa bàn huyện Mai Sơn. Trên địa bàn xã Chiềng Lương hiện có trên 2.100 hộ thì có đến 1.800 hộ trồng mía. Từ khi địa phương định hướng phát triển cây mía là cây trồng chủ lực, đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn.

Nông dân Sơn La thu nhập cao nhờ liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 3.

Nông dân xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thu hoạch mía nguyên liệu phục vụ nhà máy. Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hiện tổng số diện tích trồng mía của các hội viên gần 1.800 ha, tập chung ở các chi hội bản Bó Hặc, Noong Te, Sơn Pha, Mu Kít… sản lượng ước đạt hơn 100.000 tấn/năm, với doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội nông dân xã Cò Nòi thông tin: Cây mía được đưa vào trồng trên vùng đất Cò Nòi theo hình thức liên kết giữa Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La với các hội viên nông dân. Công ty hỗ trợ hội viên về vốn đầu tư phục vụ sản xuất như, cung ứng trả chậm giống mía, phân bón, hỗ trợ làm đất trồng mía và bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân trồng mía.

Thông qua việc liên kết trồng mía với Công ty, giúp hội viên nông dân trên địa bàn xã có thu nhập ổn định từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 2,56 %. Đây là động lực để hội viên nông dân xã Cò Nòi tích cực lao động, sản xuất gắn bó với cây mía.

Nông dân Sơn La thu nhập cao nhờ liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 4.

Nhợ liên kết với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Cò Nòi huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có thu nhập cao. Ảnh: Văn Ngọc

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La, cho biết: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp của tỉnh đã tạo bước đột phá cho Công ty cổ phần mía đường Sơn La phát triển. Công ty đã đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Yên Châu và Thành phố Sơn La. 

Nông dân Sơn La thu nhập cao nhờ liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 5.

Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Niên vụ 2022-2023, Công ty đã liên kết sản xuất với 10.500 hộ dân trồng 9.699 ha mía vùng nguyên liệu, năng suất ước đạt 65 tấn/ha, sản lượng 606.000 tấn mía cây, tập trung chủ yếu ở huyện Mai Sơn và Yên Châu. Công ty đã ký cam kết thu mua giá 980 đồng/kg mía, ước tổng doanh thu gần 64 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi gần 42 triệu đồng/ha. Hiện nay, Nhà máy Mía đường Sơn La có 414 lao động có thu nhập bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng; Công ty đã thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hiểm cho người lao động và nghĩa vụ thuế ở địa phương.

Để bảo đảm ổn định sản xuất, Công ty tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu. Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã dành hàng trăm tỷ đồng cho các hộ dân ký cam kết trồng mía, vay để đầu tư phục vụ sản xuất, sửa chữa nhà ở..., qua đó, đã tạo niềm tin và sự gắn kết chặt chẽ giữa người trồng mía với doanh nghiệp.

Nông dân Sơn La thu nhập cao nhờ liên kết với doanh nghiệp - Ảnh 6.

Công nhân Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La tao công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Ảnh: Văn Ngọc

Có thế thấy việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân đã mang lại hiệu quả cao, từ khâu đầu tư, kỹ thuật chăm sóc đến việc tiêu thụ đều diễn ra thuận tiện, mang lợi ích đối với cả 2 bên. Thời gian tới để nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn, Sơn La càn có nhiều hơn nữa những cơ chế, chính sách liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh