dd/mm/yyyy

Bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới Sơn La giàu lên nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc

Nhiều hội viên nông dân ở huyện vùng biên Sông Mã, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân vùng biên Sơn La tích cực phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Màu xanh bạt ngàn của những cây ăn quả trên dải đất biên cương Sơn La. Ảnh: Trần Hiền.

Nhiều mô hình kinh tế do nông dân vùng biên giới Sơn La làm chủ

Sông Mã những ngày này, có những cơn mưa bất chợt như xua đi cái nắng nóng, oi ả của ngày hè. Cùng thưởng thức chén chè tại cơ quan Hội, chúng tôi được ông Lê Văn Quân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Mã thông tin về những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp 5 năm (2018-2023), là 5.135 hộ. Trong đó, có nhiều hộ có mô hình cho thu nhập từ 500 - 1 tỷ đồng/năm. 

Gặp anh Vũ Anh Minh, bản Anh Trung, xã Chiềng Cang người có tài “điều khiển” cây nhãn ra quả theo ý muốn. Tại đây chúng tôi được nghe anh Minh kể về cây nhãn, kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa đốn cành và thậm chí ước lượng được số quả có thể ra trên một cành để có được chất lượng quả cao nhất, bán được giá nhất cho thương lái. 

Anh Minh, chia sẻ: Trước đây, trên nương đồi chủ yếu là cây sắn, cây ngô. Theo thời gian đất bạc màu, năng suất của sắn ngô thấp, kinh tế khó khăn. Nhưng khi chuyển đổi sang trồng 3 ha cây nhãn mới thấy hiệu quả bất ngờ. Đến bây giờ, thị trường của trái cây rộng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Với diện tích nhãn chín sớm của gia đình mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Nông dân vùng biên Sơn La tích cực phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Nông dân vùng biên huyện Sông Mã (Sơn La) chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Trần Hiền.

Tiếp tục hành trình chúng tôi đến thăm anh Lò Văn Ngoan, hội viên nông dân xã Chiềng Khương với mô hình trồng dứa Queen và cây ăn quả trên đất dốc. Mở rộng vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến, năm 2021, gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi 3 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng dứa Queen. 

Anh Ngoan, phấn khỏi: Vụ đầu, tỷ lệ ra quả khoảng 70% diện tích, trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục đăng ký trồng 5.000 m2 nữa. Hiện nay gia đình có 3 ha nhãn, 1 ha xoài, 1 ha cây mắc ca và 3.5 ha dứa Queen. Dự kiến năm nay tổng thu nhập của gia đình trên 700 triệu đồng.  

Ở Sông Mã, nơi nào chúng tôi đến cũng đều gặp những nông dân thực thụ với những câu chuyện làm giàu từ gian khó. Đó là mô hình ghép cải tạo vườn nhãn của ở bản Hải Sơn, bản Khoon Tợ, xã Chiềng Khoong; chăn nuôi bò của hội viên Tòng Văn Cường, xã Mường Lầm, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; trồng bí đao xanh của hội viên Triệu Tài Hải, bản Quảng Tiến, xã Chiềng Sơ thu nhập 250 đồng/năm; trồng nhãn và sơ chế long nhãn có các hộ: Lường Văn Mười, Lê Danh Phúc, Đào Ngọc Bằng, xã Chiềng Khoong... với thu nhập từ 150 đến trên 1 tỷ đồng/năm. 

Nông dân dân tộc thiểu số vùng biên liên kết nâng cao chuỗi sản xuất nông nghiệp

Ông Lê Anh Quân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Mã cho biết: Đồng hành cùng hội viên, Hội Nông dân huyện đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác và liên kết “4 nhà” để nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất nông nghiệp. Duy trì các trang cổng thông tin điện tử của Hội và nhóm Zalo, Facebook để hội viên tham khảo, học tập các mô hình hay, cách làm sáng tạo phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trên cơ sở định hướng, chúng tôi thấy điểm chung của những triệu phú vùng biên thay đổi tư duy, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, tăng giá trị sử dụng đất; liên kết thành lập HTX để nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều mô hình của nông dân đã được chọn làm điểm để quảng bá, nhân rộng. Là địa chỉ tin cậy để bà con nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Nông dân vùng biên Sơn La tích cực phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Dứa được nông dân vùng biên đưa về trồng để nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Hiền.

Cũng như bao nhiêu hội viên khác, anh Vũ Anh Minh, đã từng có những ngày tháng mải mê với vườn nhãn của mình, hết cắt tỉa lại ngồi quan sát, tính toán, bỏ biết bao nhiêu công sức để chăm bón. Cứ làm năm trước để rút kinh nghiệm cho năm sau, rồi lấy đó làm bài học. Không chỉ làm giàu cho bản thân, năm 2019 anh Minh còn chủ động liên kết, với 14 hội viên nông dân trong bản thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Dung. 

Quá trình sản xuất, anh và các thành viên đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP; thực hiện kỹ thuật làm nhãn chín sớm... Hiện nay, HTX đang chăm sóc 35 ha cây ăn quả các loại, trong đó, 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; thu nhập bình quân của các thành viên đạt trên 300 triệu đồng/năm.

Hay như ở xã Chiềng Sơ, Yên Hưng, Mường Lầm nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng bí đao. Năm 2018, 15 hộ dân ở xã Chiềng Sơ đã thành lập HTX Hải Nhung chuyên sản xuất, kinh doanh rau màu. 

Mở rộng diện tích sản xuất, HTX còn liên kết với hơn 300 hội viên nông dân ở các xã Chiềng Sơ, Yên Hưng, Bó Sinh, Nà Nghịu, Đứa Mòn trồng bí đáo, với 40 ha.

Ông Triệu Tài Hải, Giám đốc HTX Hải Nhung, cho hay: Quá trình sản xuất, HTX phối hợp cơ quan chuyên môn xây dựng quy trình sản xuất VietGAP. Đến nay, toàn bộ diện tích bí đao đạt tiêu chuẩn VietGAP; thu nhập bình quân của thành viên, hộ liên kết đạt 10 triệu đồng/tháng.

Nông dân vùng biên Sơn La tích cực phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Phát triển trồng bí đao từng bước mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân vùng biên. Ảnh: Trần Hiền.

Từ thực tiễn, các mô hình liên kết đã mang lại hiệu quả, sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Với sự hỗ trợ của tổ chức Hội, nhiều nông dân đã tham gia liên kết thành lập các HTX, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có 57 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó, 10 HTX do Hội Nông dân phối hợp thành lập với 1.250 thành viên, trong đó, hội viên nông dân 766 người. 

Không chỉ vậy, Hội còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Bưu điện huyện tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ nông dân quảng bá xúc tiến thương mại đối với sản phẩm chủ lực của huyện như: nhãn quả, long nhãn, xoài và các sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, voso.vn... 

Bằng sự thay đổi trong tập quán canh tác, áp dụng phương thức sản xuất mới, tiên tiến của nông dân huyện Sông Mã đã và đang phù hợp với thời đại nông nghiệp, nông dân số, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của địa phương.

Mùa Xuân