Clip: Lễ hội Gầu Tào Sa Pa.
Ngày 17/2 (tức ngày mùng 8 tết Giáp Thìn 2024), tại khu du lịch Cát Cát thuộc xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa đã tổ chức lễ hội Gầu Tào.
Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần lễ và hội. Hội thường được tổ chức trên một khu đất đồi tương đối bằng phẳng để thuận lợi cho việc đi lại, vui chơi.
Tại địa điểm được thầy cúng lựa chọn và là nơi dựng cây nêu - một biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán và ngày hội, là phần quan trọng nhất không thể thiếu trong ngày hội.
Cây nêu càng cao thể hiện quy mô tổ chức lễ hội càng lớn và đó cũng là sự tỏ lòng thành của bà con nhân dân đối với thần linh, trời đất càng nhiều. Sau khi làm lễ cúng tế cầu mong trời đất cho mọi người sức khoẻ, mùa màng bội thu, mọi người cùng nhau đánh chiêng khai hội. Tiếng chiêng báo hiệu cho những sự may mắn, tài lộc; tượng trưng cho những điều tốt lành.
Sau phần Lễ diễn ra những trò chơi sôi động, tưng bừng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Ném pao, đánh yến, đi cà kheo... Hòa trong không khí vui Xuân của người dân, du khách còn được thưởng thức những điệu múa truyền thống, cùng tham gia những trò chơi dân gian hấp dẫn: đẩy gậy, kéo co,… Xem và trải nhiệm các gian hàng trưng bày (Thắng cố; nghề nấu rượu truyền thống,..).
Lễ hội Gầu Tào được tổ chức là hoạt động nhằm tôn vinh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giới thiệu với khách du lịch những nét văn hoá truyền thống của dân tộc Mông.
Qua đó, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc.