Tại khóa học, các học viên nông dân sẽ được tìm hiểu chi tiết về nghề thêu, dệt thêu thổ cẩm hàng hóa, được thực hành thi tốt nghiệp và cấp giấy chứng nhận sơ cấp nghề.
Qua đó, các học viên sẽ tự tin với các kỹ thuật thêu, nghề dệt thổ cẩm hàng hóa đáp ứng theo nhu cầu thị trường, nhằm giúp các chị em có thể giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn, vừa kiếm thêm thu nhập. Đồng thời, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn xã.
Thông qua việc đào tạo nâng cao tay nghề, giúp học viên tiếp cận những mẫu mã thêu mới, đa dạng để sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần mở rộng địa bàn, tăng thu nhập cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Sùng A Lử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Chỉ Sơn, cho biết: Hội Nông dân xã hiện có hơn 900 hội viên tham gia sinh hoạt tại 16 chi hội, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống. Các hội viên nông dân sống chủ yếu dựa vào nghề nông thì nay đã khác.
Chị Lý Thị La (sinh năm 1991), dân tộc Mông, thôn Can Hồ Mông, phấn khởi, nói: Từ bé đến bây giờ tôi chưa được ai truyền dạy nghề thêu, may thổ cẩm. Khi được Hội Nông dân xã thông tin sẽ mở lớp thêu thổ cẩm dành cho chị em phụ nữ tôi đã đăng ký tham gia ngay. Tôi mong muốn qua lớp học này sẽ biết thêu, dệt tạo ra những sản phẩm đẹp, có chất lượng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Nhiều nghề mới đang được phổ biến, cho thu nhập tốt, giúp người nông dân vốn "một nắng hai sương" với đồng ruộng, trên nương rẫy đang dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để tạo sinh kế cho gia đình. Người dạy nghề, truyền nghề vừa là những nghệ nhân, vừa là tay nghề giỏi cao tuổi trong thôn, xã cũng đã qua các lớp đào tạo bài bản do tỉnh tổ chức nên vừa mang tinh thần trách nhiệm của những người thầy vừa gắn với việc truyền nghề, phát triển nghề truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn xã.
"Năm vừa qua, Hội Nông dân xã Ngũ Chỉ Sơn cũng đã phối hợp với các cấp hội mở được một lớp thêu thổ cẩm cho 35 hội viên nông dân của xã, chủ yếu là phụ nữ. Nhiều người sau khi được đào tạo bài bản đã nâng cao tay nghề hơn, những sản phẩm làm ra được nhiều Công ty trong và ngoài tỉnh đến thu mua. Nhờ vậy, đã phát huy được kiến thức nghề mà học viên học được, có mức thu nhập ổn định từ 3 - 6 triệu đồng/tháng" ông Sùng A Lử nói.