dd/mm/yyyy

Lào Cai: Đưa thương hiệu ớt bản địa Mường Khương vươn xa

Từ những cây ớt bản địa trồng xung quanh nhà để làm gia vị cho bữa ăn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, bà con nhân dân huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã nhân rộng diện tích trồng cây ớt để có thêm thu nhập. Chế biến liên kết sản xuất tạo thành sản phẩm tương ớt bán ra thị trường được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.


Video: Đưa thương hiệu ớt bản địa Mường Khương (Lào Cai) vươn xa.

Ớt bản địa Mường Khương có từ lâu đời

Có mặt tại thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương vào những ngày đầu tháng 7 khi những cơn mưa nặng hạt mới ngớt, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những vườn ớt xanh bạt ngàn, quả mọc tua tủa trĩu cành của bà con nơi đây.

Chị Vàng Thị Quý, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai) chia sẻ: Tôi cũng không biết cây ớt bản địa đã có từ bao giờ nữa, chỉ biết rằng khi sinh ra và lớn lên ở vùng quê này đã thấy các bà, các mẹ trồng ở trên nương, xung quanh vườn để ăn.

Trước đây, bà con chúng tôi chỉ trồng để ăn, phục vụ cuộc sống trong gia đình là chủ yếu, nhà nào trồng nhiều thì hái quả ớt ra chợ để bán có thêm mấy đồng để mua mắn, mua muối.

Những năm gần đây, khi sản phẩm tương ớt bản địa Mường Khương được nhiều người biết đến và ưa chuộng, được sự tuyên truyền, vận động của thị trấn Mường Khương, gia đình tôi tiếp tục nhân rộng diện tích lên khoảng 5.000 m2.

Lào Cai: Đưa thương hiệu ớt bản địa Mường Khương vươn xa- Ảnh 1.

Nông dân thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai) chăm sóc ớt nhăn bản địa. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo chị Quý, ớt bản địa gia đình chị trồng là loại ớt nhăn, có vị cay, thơm đặc trưng riêng. Đặc điểm của loại ớt này khác biệt so với các loại ớt khác khi chưa chín màu vàng trắng và chín thành màu đỏ chót rất đẹp, quả ớt chỉ to bằng đầu ngón tay út.

Gia đình chị Quý đã trồng ớt từ tháng 2/2024, sau khoảng 4 tháng trồng thì cây ớt cho ra quả, trung bình mỗi tuần sẽ thu hái 1 lần, nếu thời tiết nắng ráo thì có lúc thu 2 lần/tuần. Mỗi lần thu khoảng 50 kg, với giá bán 30 nghìn đồng/kg, thu về 1,5 triệu đồng.

Lào Cai: Đưa thương hiệu ớt bản địa Mường Khương vươn xa- Ảnh 2.

Những quả ớt bản địa huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đang vào mùa chín đỏ. Ảnh: Mùa Xuân.

Trải qua biết bao thế hệ, bà con nhân dân huyện Mường Khương vẫn gắn bó và làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ớt bản địa. Cho nên, chỉ cần làm tốt khâu trồng, chăm sóc, thu hái theo đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ hạn chế tối đa rủi ro. Hơn nữa, sản phẩm tương ớt vàng Mường Khương rất nổi tiếng, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Thời gian qua, diện tích cây ớt bản địa đã bị thu hẹp, nghề làm tương ớt Mường Khương dần bị mai một. Do vậy, với mong muốn có việc làm và thu nhập ổn định người dân, huyện Mường Khương đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Hội, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn khảo sát thực tế để liên kết các hộ dân trồng ớt nhăn bản địa và thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt.

Liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho ớt bản địa Mường Khương

Bà Hà Thị Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cho biết: Nhằm khôi phục lại thương hiệu sản phẩm ớt Mường Khương, năm 2022, Hội LHPN thị trấn Mường Khương đã liên kết hội viên phụ nữ của thị trấn thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy chế biến những quả ớt tươi thành sản phẩm tương ớt bán ra thị trường.

Lào Cai: Đưa thương hiệu ớt bản địa Mường Khương vươn xa- Ảnh 3.

Cán bộ Khuyến nông thị trấn Mường Khương hướng dẫn bà con chăm sóc, thu hoạch ớt nhăn bản địa. Ảnh: Mùa Xuân.

Sau 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, Tổ hợp tác có khoảng 15 ha ớt bản địa liên kết với 60 hộ dân tham gia trồng tại các thôn trên địa bàn thị trấn.

Từ những quả ớt do Tổ hợp tác thu mua đã được chế biến thành sản phẩm tương ớt vàng bản địa Mường Khương, từng bước tạo được uy tín trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Hiện nay, Tổ hợp tác trồng ớt bản địa thị trấn Mường Khương không chỉ thu mua quả ớt của các hộ dân trên địa bàn thị trấn mà con thu mua của người dân các xã Thanh Bình, Nấm Lư, Nậm Chảy...

Chị Vàng Thị Xoan, thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, chia sẻ: Gia đình tôi đã trồng ớt bản địa từ nhiều năm nay rồi, năm nay, gia đình tôi trồng thêm loại ớt chỉ thiên do huyện hỗ trợ giống. Hiện đang cho thu hoạch, thu từ nay đến tháng 8 mới hết vụ.

Lào Cai: Đưa thương hiệu ớt bản địa Mường Khương vươn xa- Ảnh 4.

Bà con xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai thu hoạch quả ớt. Ảnh: Mùa Xuân.

Đánh giá về mô hình trồng ớt bản địa trên địa bàn huyện Mường Khương, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, thông tin: Ngoài những diện tích ớt bản địa được bà con duy trì, năm nay, phòng đã triển khai dự án trồng ớt bản địa tại một số xã, thị trấn, với diện tích 50 ha từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ, nâng tổng diện tích cây ớt của huyện Mường Khương lên khoảng 200 ha.

Cây ớt không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững mà con tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ đó, huyện cũng chỉ đạo các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX liên kết tiêu thụ quả ớt cho bà con. Chế biến tạo thành sản phẩm tương ớt mang thương hiệu riêng của Mường Khương.

Bên cạnh đó, năm nay, sản phẩm tương ớt bản địa Mường Khương cũng đang được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp, HTX, chủ cơ sở sản xuất có sản phẩm để tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Có thể thấy ớt nhăn bản địa huyện Mường Khương đã và đang được nhiều người tin dùng ưa chuộng, đặc biệt là sản phẩm tương ớt chế biến từ những quả ớt nhăn thông qua đôi bàn tay khéo léo của những người nông dân và bí quyết gia truyền của người dân Mường Khương.

Tin rằng, một ngày không xa, sản phẩm ớt nhăn bản địa Mường Khương của tỉnh Lào Cai sẽ vươn xa hơn, chiếm lĩnh được các siêu thị trên toàn quốc để mọi người đều được biết đến.

Mùa Xuân