Lào Cai đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân
11/07/2025 19:51 GMT +7
Tỉnh Lào Cai đã và đang quyết tâm đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn tạo việc làm bền vững cho người dân.
Những điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo ở Lào Cai
Đến với Lào Cai, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và sự sáng tạo trong cách làm du lịch cộng đồng.
Tại xã Mù Cang Chải, vùng đất phía tây tỉnh Lào Cai, những thửa ruộng bậc thang trải dài bất tận như "Nấc thang trời" giữa đại ngàn xanh biếc, khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ. Tại điểm du lịch cộng đồng Nature Homestay do anh Thào A Chua làm chủ, du khách sẽ được trải nghiệm một phong cách du lịch vô cùng độc đáo.
Sau khi tốt nghiệp ngành Nông Lâm, Trường đại học Thái Nguyên, anh Chua đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, dựng nhà sàn, trồng hoa và liên kết với các tour du lịch cùng nhiều hộ đồng bào H'Mông để làm du lịch cộng đồng. Nhờ sự chăm chỉ và luôn lắng nghe góp ý, homestay của A Chua ngày càng hoàn thiện, mang về thu nhập hơn 150 triệu đồng mỗi năm.
Anh Thào A Chua chia sẻ: "Khách nước ngoài rất hào hứng khi chọn nơi này làm điểm lưu trú dài ngày, trải nghiệm các hoạt động mùa nước đổ. Du khách cùng dân bản cày bừa, cấy lúa, tham gia bắt cá, bắt gà đen và tự tay chế biến bữa ăn theo phong cách người H'Mông của bản mình".
Xa hơn một chút, tại xã Yên Bình, Hồ Thác Bà, với hơn 1.300 đảo nhỏ đang trở thành điểm đến hấp dẫn. Đặc biệt, mùa này, du khách đổ về các đồi nho xanh mướt được trồng trên các đảo.
Anh Tạ Hữu Tình, chủ một đảo nho tại thôn Khe Gầy, chia sẻ: Sau khi học hỏi kinh nghiệm ở Hà Nội, tôi đã xây dựng nông trại du lịch chuyên trồng nho hạt nhỏ và nho mẫu đơn.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật như nhà lưới, tưới tiêu tự động, vụ này anh Tình thu hoạch khoảng một tấn quả. Với giá bán 150.000 đồng/kg cùng nguồn thu từ khách trải nghiệm, gia đình anh Tình đã có cuộc sống khá giả.
Kế bên, đảo nho của gia đình anh Đinh Đại Thành với 6.000 gốc nho sữa cũng thu hút rất đông du khách. Đến hồ Thác Bà, ngoài việc khám phá các nông trại nho, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sắc từ nguồn thủy sản khai thác tại hồ như: cá lăng nướng riềng, cá tép dầu chiên vàng, cá chày mắt đỏ sấy khô...

Nhắc đến Lào Cai, không thể không nhắc đến Sa Pa – điểm đến huyền thoại được nhiều du khách ví von là "Thụy Sĩ của Việt Nam". Với dãy núi hùng vĩ, văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc thiểu số và những công trình kiến trúc phong cách châu Âu, Sa Pa luôn có một sức hút đặc biệt.
Minh chứng là theo Công ty du lịch Hàn Quốc Hana Tour, tổng lượng khách hàng đặt các sản phẩm gói dịch vụ cho Sa Pa trong nửa đầu năm 2025 đã tăng 333% so với cùng kỳ năm 2024.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng này, các doanh nghiệp cũng không ngừng đưa ra các chương trình hấp dẫn. Inter Bus Lines triển khai ưu đãi hè cho các gia đình khám phá Sa Pa.
Tập đoàn Sun Group cũng có nhiều khuyến mại và lễ hội đặc sắc, như tặng bữa buffet tối tại nhà hàng sang trọng cho du khách mua vé cáp treo Fansipan sau 13 giờ, kéo dài hành trình khám phá đỉnh Fansipan từ chiều tà đến hoàng hôn lãng mạn.
Việc sáp nhập hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai để hình thành một tỉnh mới là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Trung ương, nhằm tạo ra một cực tăng trưởng mới cho vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Ông Nông Việt Yên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Đối với lĩnh vực du lịch, đây là một bước ngoặt quan trọng, tạo ra nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cần được nhận diện và giải quyết đồng bộ.
Lào Cai giờ đây sở hữu một chuỗi điểm đến nổi bật như: Sa Pa, Bắc Hà, Mù Cang Chải, Suối Giàng, Mường Lò… với cảnh quan kỳ vĩ, bản sắc văn hóa đặc sắc và lợi thế khí hậu.
Cùng với đó, việc triển khai quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo hành lang pháp lý và định hướng rõ ràng.
Ngành du lịch tỉnh đã đề xuất các giải pháp đột phá trọng tâm nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó sẽ phát triển Lào Cai trở thành "Trung tâm du lịch động lực của miền núi phía Bắc" gắn với chiến lược "Trục thịnh vượng sông Hồng" và xây dựng cụm du lịch chất lượng cao "Sa Pa-Bắc Hà-Nghĩa Lộ-Mù Cang Chải-Suối Giàng".
Tỉnh mới Lào Cai sau sáp nhập tỉnh Yên Bái và Lào Cai (cũ) có lợi thế rất lớn trong việc thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ. Quy mô kinh tế-xã hội tăng lên, dân số và ngân sách dồi dào hơn sẽ nâng cao năng lực huy động nguồn lực đầu tư.
Đặc biệt, hệ thống giao thông tiếp tục được kết nối mạnh mẽ gồm các tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, tuyến đường cao tốc nối Nghĩa Lộ-Trạm Tấu-Sa Pa trong tương lai gần, cảng hàng không Sa Pa, đường thủy hồ Thác Bà… sẽ giúp ngành du lịch tiếp cận thị trường khách rộng lớn hơn.
Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với du lịch quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Với sự cộng hưởng sức mạnh này, dự kiến đến năm 2030, Lào Cai sẽ đón khoảng 16,5 triệu lượt du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Thách thức và cơ hội phía trước của ngành du lịch Lào Cai
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai Nông Việt Yên cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức song hành cùng cơ hội. Một trong những thách thức lớn nhất là làm sao để cân bằng giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững.
Nếu không có quy hoạch tổng thể và cơ chế quản lý hiệu quả, ngành du lịch có thể đối mặt với nguy cơ quá tải, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái và văn hóa bản địa – những giá trị cốt lõi mà tỉnh đang nỗ lực gìn giữ.
Việc thống nhất định hướng, phân vùng chức năng và đảm bảo phát triển hài hòa giữa thế mạnh du lịch quốc tế, nghỉ dưỡng cao cấp của Lào Cai (trước đây) và du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với văn hóa bản địa của Yên Bái (trước đây) là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi cách tiếp cận đồng bộ, khoa học và có lộ trình rõ ràng.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý ngành cũng là một bài toán cần sớm có lời giải. Khi địa bàn, quy mô mở rộng, lượng khách tăng nhanh, thì áp lực về đào tạo nhân lực, chuyển đổi số và tổ chức bộ máy xúc tiến, quảng bá ngày càng lớn.
Nếu ngành du lịch Lào Cai, các địa phương và doanh nghiệp làm du lịch không có kế sách bài bản trong đào tạo, tuyển chọn và sử dụng nguồn lực quan trọng này, sự tăng trưởng sẽ thiếu tính bền vững.
Lào Cai đang đứng trước một trang sử mới đầy hứa hẹn. Với những chiến lược bài bản và sự đồng lòng, du lịch Lào Cai chắc chắn sẽ vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Lào Cai đã thu hút hơn 8,7 triệu lượt du khách, mang về doanh thu “khủng” với hơn 22 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, từ ngày 1/7, sau sáp nhập, tỉnh Lào Cai mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố vị thế, trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc, với mục tiêu táo bạo đón 16,5 triệu lượt du khách vào năm 2030.