Lai Châu quan tâm thực hiện chính sách dân tộc
Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 80%. Toàn tỉnh có 8 huyện, thành phố với 106 xã, phường, thị trấn (54 xã đặc biệt khó khăn, 21 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn).
Lai Châu được biết đến là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đông đều, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao… là những rào cản ảnh hưởng đến quá trình thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dành cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Trần Hữu Chí – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, cho biết: Những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc; Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của sở, ngành và các huyện, thành phố. Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn đã được phân bổ theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh chủ động hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện các chương trình, dự án, chính sách, đảm bảo linh hoạt, kịp thời.
Thời gian qua, trên cơ sở các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch như: Kế hoạch chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Kế hoạch tổ chức Hội thảo về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu…
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách dành cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc.
Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện với nhiều hình thức. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS trong tỉnh về mục đích, ý nghĩa của các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, từ đó chủ động tham gia vào quá trình thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu còn chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong việc tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc. Phát huy tốt vai trò của cán bộ ở cơ sở, người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong việc vận động đồng bào, dân tộc mình chống lại lôi kéo, xúi dục của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, cùng tương trợ giúp đỡ nhau trong xản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Diện mạo vùng đồng bào DTTS ở Lai Châu có nhiều đổi thay
"Thực hiện tốt các chính sách, các chương trình, dự án hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS trong tỉnh dần được hoàn thiện và ngày càng khang trang hơn. Đặc biệt, thông qua thực hiện các chính sách dân tộc, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về tập quán sản xuất đã có sự thay đổi rõ rệt. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất hàng hóa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống" – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho hay.
Thực tế cho thấy, những năm qua, các chính sách dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu đã đến được với người dân và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Tỉnh Lai Châu đã lồng ghép nguốn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước và của tỉnh như hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giống nông nghiệp, tập huấn khoa học kỹ thuật khuyến nông, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đưa các loại giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc, tỉnh Lai Châu còn gắn thực hiện các chính sách dân tộc với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Cách làm này đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, kết cấu hạ tầng ở các vùng DTTS khó khăn trong tỉnh dần hoàn thiện. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Người dân ở các vùng đồng bào DTTS đã tự nguyện đóng góp công lao động, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, sân vận động… góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Các chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số cũng được tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác cán bộ, bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số được quan tâm, ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Văn hóa vùng dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa - nghệ thuật, thể thao khu vực được quan tâm tổ chức. Công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS ở các xã đặc biệt khó khăn được các cơ sở y tế duy trì thường xuyên. Tỷ lệ người DTTS có thẻ BHYT trong những năm qua luôn đạt tỷ lệ cao, năm 2022 có 98% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT…
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ở tỉnh Lai Châu không ngừng cải thiện, nâng cao. Diện mạo nông thôn miền núi ngày một đổi thay. Đó cũng là nền tảng quan trọng giúp Lai Châu thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.