Chính sách dân tộc giúp đồng bào yên tâm chọn Bình Dương làm quê hương thứ 2

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 28/10/2022 16:24 PM (GMT+7)
Thiên thời, địa lợi và nhất là các chính sách dân tộc thiết thực, hiệu quả đã giúp cộng đồng các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giữ gìn được bản sắc văn hóa khi chọn Bình Dương là quê hương thứ 2.
Bình luận 0

Dân tộc thiểu số đổi đời trên quê hương mới Bình Dương

Huyện Phú Giáo là địa phương có đông cộng đồng dân tộc thiểu số nhất tỉnh Bình Dương. Trong đó, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập có nhiều hộ gia đình nhờ vào chính sách hỗ trợ của địa phương mà vươn lên làm giàu.

Ông Trịnh Đức Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo cho biết, ấp Đồng Tâm có diện tích khoảng 3.000ha, trong đó có hơn 37 hộ dân tộc Tày, Nùng, Khmer, Sán Chí, Cao Lan... Đồng bào các dân tộc ở đây chủ yếu làm nghề nông, còn lại một số hộ kết hợp buôn bán nhỏ và chăn nuôi.

Xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đạt chuẩn nông thôn mới tứ năm 2015. Ảnh: Trần Khánh

Xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đạt chuẩn nông thôn mới tứ năm 2015. Ảnh: T.L

Những năm qua, kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong ấp cũng ngày càng được cải thiện.

Ông La Văn Sự, người dân tộc Sán Chí kể, hơn 20 năm trước, gia đình ông và một số người quen từ xã Phấn Mễ (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) vào Bình Dương làm nghiệp.

Lúc bấy giờ, xã Tam Lập là địa bàn hoang vắng, chỉ lác đác có vài hộ dân sinh sống. Người bắt đầu khai hoang, phục hóa và trồng cao su, người thì đi làm thuê.

Ông sự kể, biết bao mồ hôi, nước mắt đổ xuống, nay được đền đáp bằng những vườn cao su ngày càng rộng lớn. Bây giờ, hộ gia đình nào ở đây có trong tay vài ha cao su, cuộc sống đã ổn định hơn rất nhiều.

Riêng ông Sự đang có khu vườn cây trái khoảng 5.000m2 và 7ha cao su đang trong thời kỳ khai thác mủ. Nhẩm tính nguồn thu, ông Sự tự tin nhận mình là tỷ phú, khi doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

Tổng giá trị từ đất và tài sản trên đất của gia đình ông hiện hơn 10 tỷ đồng. Đây là điều mà khi còn tay trắng vào Bình Dương lập nghiệp, gia đình ông chưa bao giờ dám mơ đến.

"Đây không chỉ là kết quả từ sự nỗ lực vượt bậc của bản thân mỗi người mà còn sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách dân tộc của địa phương", ông Sự nói.

Ông La Văn Sự (phải) bên vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: Trần Khánh

Ông La Văn Sự (phải) bên vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Dũng, tỉnh Bình Dương nói chung, huyện Phú Giáo nói riêng đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 24 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 9, về thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới.

Địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, nhiều chương trình thiết thực như hỗ trợ vốn vay, phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh, huyện còn cấp đất sản xuất, hoặc gắn việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Những chính sách này đã từng bước làm thay đổi cuộc sống người dân. Số hộ người dân tộc thiểu số thuộc diện giàu có tăng lên. "Riêng ở ấp Đồng Tâm, xã Tân Lập, số hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh cũng giảm đáng kể", ông Dũng nói.

Tham gia xây dựng cộng đồng vững mạnh

Ông Nguyễn Anh Vũ – Chủ tịch xã Tam Lập cho biết, không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế, địa phương còn tạo điều kiện để người dân gìn giữ, phát huy nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình.

Dù chỉ có vài chục hộ dân, nhưng bà con vẫn giữ được những sinh hoạt đậm nét truyền thống như đẩy gậy, đánh chiêng; đặc biệt là điệu nhảy Tắc Xình, một đặc sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Cộng đồng dân tộc Sán Chí huyện Phú Giáo biểu diễn tại liên hoan Văn hóa – Thể thao chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Dương. Ảnh: T.L

Cộng đồng dân tộc Sán Chí huyện Phú Giáo biểu diễn tại liên hoan Văn hóa – Thể thao chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Dương. Ảnh: T.L

Năm nào cũng vậy, chính quyền tạo điều kiện để các câu lạc bộ văn hóa dân gian của người Sán Chí được sinh hoạt và tham gia công diễn. Nhiều chương trình đã đạt giải cao ở các nhiệm kỳ Đại hội người dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh giỏi các cấp huyện, tỉnh và toàn quốc.  

Bên cạnh việc hỗ trợ nhau xây dựng cuộc sống, đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực tham gia công tác xã hội. Đặc biệt là lớp người trẻ, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Tam Lập này, vẫn đang nỗ lực vươn lên làm giàu cho mình và phát triên địa phương.

Ông Vũ cho biết, giới trẻ đồng bào dân tộc có sự đóng góp rất lớn đối với các cái phong trào của địa phương, cũng như tham gia công tác chính quyền. Nổi bật như anh La Văn Quang, một Đảng viên trẻ, đang tham gia giữ chức Bí thư Chi bộ ấp, được người dân tín nhiệm. Hoặc như chị Dương Thị Ngoan hiện nay được là là bầu vào Ủy viên Ban chấp hành của Đảng ủy, và phân công nhiệm vụ Chủ tịch Hội phụ nữ xã.

Ưu tiên phát triển nhân lực trong chính sách dân tộc

Ông Nguyễn Tầm Dương – Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, nhiều năm qua, Bình Dương không còn xã nghèo, và đặc biệt khó khăn nên tỉnh không được hưởng các chương trình của Trung ương như Chương trình 134, Chương trình 135.

Để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Có thể kể đến như Kế hoạch số 3761 năm 2017 triển khai thực hiện Đề án Tăng cường vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiều số; hoặc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào nghèo, thực hiện chương trình nước sạch nông thôn.

Tỉnh Bình Dương có 30 dân tộc thiểu số, với khoảng 8.203 hộ dân, 31.169 nhân khẩu. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen với người Kinh trên khắp địa bàn tỉnh. Ảnh: T.L

Tỉnh Bình Dương có 30 dân tộc thiểu số, với khoảng 8.203 hộ dân, 31.169 nhân khẩu. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen với người Kinh trên khắp địa bàn tỉnh. Ảnh: T.L

"Tỉnh Bình Dương sẽ ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội"

Ông Nguyễn Tầm Dương – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương

Từ năm 2010 - 2021, Bình Dương đã thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 221.526 lượt học sinh, sinh viên; trong đó có học sinh người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí là 198 tỷ đồng.

Bưu điện tỉnh Bình Dương còn cấp phát miễn phía các báo, tạp chí như: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Chuyên trang Dân tộc thiểu số và miền núi... cho người có uy tín, cán bộ nòng cốt.

Ông Nguyễn Tầm Dương cũng cho biết, hiện nay, Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của Bình Dương (cao hơn tiêu chí Trung ương), toàn tỉnh vẫn còn  hơn 60 hộ dân tộc thiểu số nghèo, với 239 nhân khẩu. 

Thực hiện Nghị quyết số 10 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tỉnh Bình Dương đang xây dựng Dự thảo Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhình đến 2045 trên địa bàn tỉnh.

Nhiều tuyến đường huyện, xã ở Phú Giáo đã được nâng cấp bê tông nhựa, thông qua thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trần Khánh

Nhiều tuyến đường huyện, xã ở Phú Giáo đã được nâng cấp bê tông nhựa, thông qua thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trần Khánh

Bình Dương đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; 100% ấp/khu phố, xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương sẽ tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc; thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào trong phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem