Clip: Bà Trần Thị Thu Hiền – Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sìn Hồ chia sẻ nguyên nhân và biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn.
Nhiều vụ đuối nước ở trẻ em trên địa bàn huyện vùng cao Sìn Hồ
Với đặc thù là địa phương có nhiều ao, hồ và sông, suối nhỏ, đặc biệt là khu vực các xã vùng thấp nên nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn huyện Sìn Hồ là rất lớn. Hàng năm, tại đây đều xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, chủ yếu ở trẻ từ 1 - 6 tuổi. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 5 trường hợp đuối nước ở trẻ.
Được biết, Ma Quai là địa phương đã từng xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Trên địa bàn xã có các dòng suối chảy qua, vào mỗi kỳ nghỉ các em thường ra đây chơi, tắm, nguy cơ mất an toàn là rất cao khi không có sự` giám sát của bố mẹ. Bên cạnh đó, các ao ở quanh khu dân cư không có rào chắn biển báo nguy hiểm, công tác tuyên truyền tại trường học vào mỗi khi nghỉ hè, nghỉ lễ còn chưa được cao. Các em thiếu kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân... khiến tai nạn đuối nước dễ xảy ra.
Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/ Trang Trại Việt điện tử, Anh Lò Văn Sướng - Bí thư Chi bộ bản Song Cón (xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ), chia sẻ: Vụ đuối nước gần đây trên địa bàn xảy ra đối với cháu bé tên C.V.H 2 tuổi. Hoàn cảnh gia đình cháu khó khăn, cha mẹ đều đi làm để cháu ở nhà cùng với anh trai 6 tuổi và bà nội bị bại liệt. Vì không có người giám sát nên khi cháu chơi gần nhà, không may bị rơi xuống ao và tử vong. Đây là nỗi đau lớn đối với gia đình, cũng là lời cảnh tỉnh về nguy cơ tai nạn đuối nước với trẻ em trên địa bàn.
Nhiều giải pháp giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em trên địa bàn huyện Sìn Hồ
Được biết, trên địa bàn huyện vùng cao Sìn Hồ, khu vui chơi dành cho trẻ em rất ít; hồ bơi an toàn đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu vui chơi và học tập kỹ năng bơi lội, phòng, chống tai nạn đuối nước còn rất hạn chế. Bởi vậy, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế trẻ tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, ao hồ mà không có người lớn đi cùng.
Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/ Trang Trại Việt điện tử, bà Trần Thị Thu Hiền – Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sìn Hồ, cho biết: Để công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại huyện Sìn Hồ phát huy được hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
Các địa phương cần phối hợp với đơn vị chức năng phát động phong trào học bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh. Phòng sẽ tăng cường phối hợp với các nhà trường, gia đình, đoàn thể và chính quyền các địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè; nâng cao cảnh giác đến các bậc cha mẹ để quản lý con em mình tốt hơn.
Trong dịp hè này, để tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ, các cấp, ngành, địa phương, các đơn vị trường học, thôn, bản, tổ dân phố phải làm tốt công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, sự quan tâm, phối hợp từ phía các gia đình chủ động dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho con em là rất quan trọng, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước trên địa bàn.