Kỹ thuật thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cam
19/12/2017 06:00 GMT +7
Nhờ mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cam, gia đình bà Nguyễn Thị Thuận ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh luôn cung cấp đủ nước tưới cho cây mà vẫn tiết kiệm được nước, giảm chi phí. Trung bình mỗi năm bà Thuận có thu nhập trên 100 triệu đồng từ vườn cam "công nghệ cao" của gia đình mình.
Cận cảnh hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cam của gia đình bà Thuận ở Hà Tĩnh. Ảnh: Hải Đăng
Theo bà Thuận, việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt khá đơn giản, nông dân chỉ cần làm theo các bước dưới đây sẽ có thể thành công.
1. Chuẩn bị vật liệu, nguồn cấp nước
- Nguồn nước mặt hoặc nước ngầm.
- 1 máy bơm thông thường động cơ điện hay dầu, xăng, có khả năng bơm nước lên độ cao 3,5m. Có thể lắp thêm rơle tự đóng mở (đối với hệ thống bơm điện để tự động bơm nước vào bồn).
- Ống nhựa PV cứng đường kính 30-40mm hay 60mm làm ống dẫn nước chính và loại đường kính 16-21mm hay 26mm làm ống dẫn phụ.
- Các phụ kiện lắp ráp hệ thống ống gồm các co, khúc nối thẳng, khúc nối chữ T, khúc nối giảm đường kính ống, ống van cánh bướm và keo để dán các khúc nối.
- Ống nhựa dẻo đường kính 16mm hoặc nhỏ hơn và một trong những loại vòi phun tia li tâm, phun tia cố định, nhỏ giọt. Có thể chế đầu nhỏ giọt bằng ống và van của hệ thống truyền "nước biển" trong bệnh viện.
- Vật liệu làm bồn nước gồm: 4 hoặc 6 trụ ximăng, cây vuông hay cây tròn cũng được, dài 3-4m, kèm theo các tấm đan dày làm miếng kê chống lún, chống mục cho cột. Một số cây làm giằng chéo các cột. Ván làm vách thành và đáy bồn nước dày hơn 2 cm. 1 tấm vải bạt xe (mủ sọc) và một tấm mủ trong loại dày làm lòng hồ 2 lớp.
Một khớp nối răng bằng thau hoặc bằng nhựa có đường kính phù hợp nối với đường kính ống chính dùng để làm cửa lấy nước. Cần 1 lưới lọc nước thô kiểu cái túi gắn vào phía trên cửa lấy nước. Một số vật liệu làm mái che bồn nước bằng chất liệu có sẵn, tole hoặc lá.
2. Hướng dẫn cách lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt
- Dựng hệ thống cột, giằng chéo, đà ngang, dọc, sử dụng khoan bắt ốc hoặc đóng đinh 7-10cm, dùng dây dọi, ống bọt nước để cân chỉnh các chiều thẳng đứng và mặt phẳng ngang.
- Đóng ván từ trong lòng hồ ra phía ngoài bằng đinh 5cm tạo cho vách bồn và đáy bồn thật phẳng, ở một tấm ván đáy có chứa lỗ lấy nước.
- Trải tấm vải mủ sọc và tấm vải mủ trong, ém kỹ cho sát vào góc và thành bồn. Tại vị trí lỗ định sẵn ở miếng ván đáy hồ, tiến hành tạo cửa lấy nước (đục thấu 2 lớp vải mủ) bằng đục tròn, luồn khớp nối răng trong ở dưới lên (đã lắp miếng đệm mi-ca và đệm cao su) tương tự lắp ống ra ngoài, siết thật chặt.
- Lấp hệ thống ống dẫn chính theo chiều dài thửa đất, truyền sang ống phụ theo líp bằng khớp nối chữ T giảm đường kính, lắp các ống nhánh tới các gốc cây và lắp vòi phun hay dụng cụ nhỏ giọt. Các vòi phun và lỗ nhỏ giọt hướng lên phía trên để tránh cặn làm tắc ống và dễ kiểm tra lưu lượng nước tưới, nơi gần nguồn bố trí lỗ nhỏ giọt nhỏ hơn nơi cuối nguồn.
Hiện nay trên thị trường có các loại bồn nhựa có dung tích lớn hơn hoặc bằng 1 m3 có nắp đậy rất tiện cho việc lắp đặt bồn và không phải thiết kế mái che.
Bà Thuận bên vườn cam thu nhập trên 100 triệu đồng/năm của gia đình ở Hà Tĩnh. Ảnh: Hải Đăng
3. Bảo quản và vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt
- Tất cả đường ống chính và phụ cần được chôn sâu 20-30cm để kéo dài tuổi thọ của ống, đoạn cuối của ống nhánh cũng cần được che phủ tránh nắng và rêu phát triển trong ống.
- Thường xuyên giặt rửa lưới lọc nước trên bồn.
- Sau mùa tưới, mở khóa đầu các ống nhánh, xả bỏ cặn toàn bộ hệ thống.